Đề nghị phải phân cấp, phân quyền đến nơi đến chốn

06/11/2024 - 18:53

BDK.VN - Sáng 6-11-2024, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn - Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre phát biểu tại hội trường sáng 6-11-2024.

Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn - Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre đồng tình cao quan điểm đổi mới mạnh mẽ về phân cấp, phân quyền giữa Quốc hội và Chính phủ, giữa Trung ương và địa phương do Chính phủ trình Quốc hội lần này.

Nếu được thông qua sẽ giải quyết được các vướng mắc trong quá trình đầu tư công mà các ĐBQH phản ánh trong các kỳ họp vừa qua. Đặc biệt, là vấn đề giải ngân vốn đầu tư, đẩy nhanh thực hiện chương trình, dự án, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Do đó, với quan điểm phân cấp mạnh mẽ, địa phương làm địa phương chịu trách nhiệm, đại biểu đề nghị phải phân cấp đến nơi, đến chốn và những vấn đề đang gặp khó khăn, cản trở trong quá trình thực hiện đại biểu đề nghị phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung trong dự thảo luật lần này. Đại biểu góp ý bốn nội dung.

Thứ nhất là về tách giải phóng mặt bằng và xây lắp: Dự thảo luật cho phép tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với tất cả các nhóm dự án nhóm A, B, C.

Trong báo cáo thẩm tra số 2570/BC-UBTCNS15 ngày 27-10-2024 của Ủy ban Tài chính, Ngân sách thẩm tra về Dự án Luật đầu tư công (sửa đổi) cũng lưu ý việc tách giữa giải phóng mặt bằng và xây lắp nhưng phải nằm trong tổng thời gian của nhóm dự án.

Theo đại biểu, thời gian bố trí vốn thực hiện dự án theo Điều 58, dự án nhóm A không quá 6 năm, nhóm B không quá 4 năm và nhóm C không quá 3 năm nhưng nếu tách giải phóng mặt bằng và xây lắp mà không cân đối lại thời gian, vẫn duy trì như khung thời gian hiện nay là không có ý nghĩa và cũng như cũ, đề nghị nên cân đối lại tổng thời gian thực hiện, nhất là thời gian dành cho công tác giải phóng mặt bằng, khi có mặt bằng sẽ triển khai xây lắp.

Bố trí vốn của hai thành phần này cũng liền mạch, nhằm tránh có mặt bằng mà không có vốn thi công, cũng lường thực tế công tác thu hồi đất kéo dài, việc tái định cư khi thu hồi đất sẽ ảnh hưởng thời gian thi công dự án. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc thời gian thực hiện cho từng hợp phần khi tách dự án.

Thứ hai là về phân cấp, phân quyền, đại biểu tán thành việc đề xuất phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, nhất là thẩm quyền từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho Thủ tướng Chính phủ, giữa Thủ tướng Chính phủ cho địa phương và UBND tỉnh, rút ngắn thời gian, thủ tục, quy trình đầu tư công.

Quốc hội quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn, hàng năm, tổng vốn cho kế hoạch, dự án; còn trong quá trình thực hiện có phát sinh điều chỉnh tăng, giảm giữa các dự án mà không làm tăng tổng mức đầu tư thì nên giao cho Thủ tướng Chính phủ để có thể điều chỉnh, thực hiện được ngay.

Giữa thẩm quyền của Thủ tướng và địa phương, đại biểu cũng đề xuất Thủ tướng Chính phủ khi giao kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương cho địa phương, trong quá trình thực hiện có phát sinh tăng, giảm hay bổ sung mà không làm tăng tổng vốn, nhất là các dự án trong ngành, lĩnh vực thì giao cho địa phương điều chỉnh và báo cáo lại Trung ương ở kỳ báo cáo gần nhất, hiện tại, tất cả điều chỉnh vốn nguồn Trung ương đều trình cho Thủ tướng, sau đó lên đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có khi mất từ 6 tháng đến 1 năm, rất lãng phí thời gian, và đây cũng là lý do chậm giải ngân vốn.

Ngoài ra, các phân cấp khác về giao cho 1 tỉnh làm cơ quan chủ quản đối với dự án qua địa bàn 2 tỉnh trở lên, hay thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án nhóm B, C, dự án nhóm A lên đến 10 nghìn tỷ, đại biểu tán thành vì phù hợp thực tiễn, khả năng quản lý của các cấp.

Thứ ba là về điều chỉnh chủ trương đầu tư, đại biểu đề xuất nghiên cứu lại điều 39 về quy trình, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, theo đó quy trình điều chỉnh cũng tương đương với quy trình, thủ tục phê duyệt đề xuất chủ trương đầu tư. :

Trong thực tế, có những điều chỉnh nhỏ như: Thời gian, địa điểm, chỉnh nguồn vốn, không làm thay đổi tổng mức đầu tư, quy mô, tính chất thì nên áp dụng thủ tục rút gọn, chỉ cần giao cho cơ quan chuyên môn hay hội đồng thẩm định thẩm tra các nội dung điều chỉnh và trình điều chỉnh chủ trương ngay.

Thứ tư là về nguồn vốn ODA, đây là nguồn vốn ngân sách đặc biệt và có tính chất đặc thù, bởi vì phải tuân thủ quy trình của hai Quốc gia và tổ chức vay vốn, thường triển khai theo hiệp định vay và tuân thủ quy trình phê duyệt.

Khi thực hiện dự án vừa phải tuân thủ theo Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu Việt Nam, vừa phải tuân thủ theo các quy định của nhà tài trợ, xin ý kiến không phản đối nhiều lần.

Do đó, nếu không quy định khác hơn so với dự án đầu tư công thông thường thì khó giải ngân vốn, kéo dài so với mốc thời gian thông thường của nhóm dự án A, B, C. Vì vậy, đại biểu đề nghị nếu giữ nguyên nội dung về nguồn vốn ODA trong dự thảo luật nên quy định trình tự, thủ tục, kế hoạch giao vốn, thời gian giao vốn và việc điều chỉnh tăng, giảm vốn ODA (vốn nước ngoài, đối ứng, nguồn bội chi...) nên giao cho Thủ tướng Chính phủ quyết định nhằm triển khai nhanh hơn.

Hiện tất cả điều chỉnh tăng, giảm vốn nước ngoài đều trình tới Quốc hội hoặc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội mất nhiều thời gian và không tương thích với rút vốn của nhà tài trợ.

Làm rõ hơn về nội dung được các ĐBQH quan tâm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định: Việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong quyết định chủ trương đầu tư dự án sẽ góp phần giảm cơ chế xin - cho, tiết kiệm thời gian triển khai dự án...

Tuy nhiên, cần gắn liền với năng lực, trách nhiệm của các cơ quan, địa phương trong tổ chức thực hiện. 

Cơ quan soạn thảo dự án Luật sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị hữu quan tiếp thu tối đa các ý kiến của ĐBQH để có phương án hiệu quả, tối ưu nhất trong việc phân cấp, phần quyền cho các địa phương quyết định chủ trương đầu tư dự án.

Tin, ảnh: Hồng Yến 

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN