Đề xuất xây dựng các mô hình xử lý khói than hiệu quả

24/07/2024 - 05:28

BDK - Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), hiện nay, trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 46 cơ sở than thiêu kết. Trong đó, huyện Giồng Trôm 41 cơ sở, với 395 lò đốt; công suất hoạt động bình quân khoảng 2,5 - 3,5 tấn than/lò/7 ngày đốt (Thạnh Phú Đông 13, Hưng Phong 8, Lương Phú 3, Phong Nẫm 13, Phước Long 1, Lương Hòa 3). Huyện Bình Đại có 4 cơ sở và huyện Châu Thành có 1 cơ sở. So với kết quả rà soát đầu tháng 6-2023, giảm 4 cơ sở (4 cơ sở, doanh nghiệp tại TP. Bến Tre ngưng hoạt động).

Sản xuất than thiêu kết ở huyện Giồng Trôm.

Qua khảo sát của cơ quan chức năng, hầu hết các cơ sở có hệ thống xử lý khói thải lò than, nhưng các hệ thống đã xuống cấp và chưa xử lý hiệu quả khí thải phát sinh. Tất cả các cơ sở đã được triển khai nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh và thực hiện cam kết đến hết năm 2023 phải hoàn thành đầu tư hệ thống xử lý khí thải hoặc di dời, chuyển đổi ngành nghề nếu cơ sở không xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường, không phù hợp quy hoạch sử dụng đất.

Hiện nay, một số cơ sở đã thực hiện cải tiến lại hệ thống xử lý khói thải. Tuy nhiên, qua kết quả khảo sát và đo mẫu nhanh ngày 6-7-2023 ở 2 cơ sở đang vận hành hệ thống xử lý khí do cải tiến tại xã Phong Nẫm và 2 cơ sở có vận hành hệ thống xử lý cũ cho thấy hàm lượng CO trong khí thải các lò than đều trên 11.400mg/Nm3 (cao hơn so với QCVN 19:2009/BTNMT quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp đối với bụi và các chất vô cơ, CO dưới  1.000mg/Nm3).

Theo Giám đốc Sở TN&MT Bùi Minh Tuấn, hiện nay, tình hình giải quyết ô nhiễm từ hoạt động sản xuất than thiêu kết sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Công văn số 3600/UBND-KT ngày 12-6-2022 của UBND tỉnh về việc tiếp tục tăng cường giải quyết ô nhiễm môi trường đối với cơ sở sản xuất than thiêu kết, cơ bản các địa phương đã kiểm soát không để phát sinh thêm cơ sở sản xuất than thiêu kết gây ô nhiễm, các cơ sở đang hoạt động không mở rộng quy mô, công suất. Tổ chức kiểm tra, hướng dẫn công tác bảo vệ môi trường định kỳ cho các cơ sở. Hiện có 5 cơ sở đã thực hiện đầu tư mới, cải tiến hệ thống xử lý khí thải và một số cơ sở đã quan tâm thực hiện cải tạo, sửa chữa vận hành hệ thống xử lý khí thải hiện hữu để giảm thiểu tối đa phát sinh khí thải gây ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy còn nhiều mô hình, công nghệ xử lý khí thải hiện hữu không mang lại hiệu quả cao, đã xuống cấp, quá tải xử lý. Chi phí đầu tư ban đầu và vận hành đối với hệ thống xử lý khói lò than tiên tiến đã được giới thiệu ở mức cao nên các cơ sở nhỏ, lẻ e ngại đầu  tư. Các công nghệ xử lý mới cải tiến phù hợp với hệ thống lò đốt than thủ công vẫn còn đang trong giai đoạn nghiên cứu và chưa hoàn thiện nên việc áp dụng nhân rộng chưa thể thực hiện.

Việc xem xét chuyển đổi ngành nghề ít được quan tâm vì đây là ngành nghề lâu đời, tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương, lực lượng lao động không yêu cầu trình độ cao, nhiều lao động lớn tuổi ít quan tâm đăng ký học nghề.

Sở TN&MT, UBND các huyện cùng với chính quyền địa phương các xã có lò than thiêu kết tiếp tục thực hiện nội dung chỉ đạo tại Công văn số 3600/UBND-KT ngày 12-6-2022 của UBND tỉnh, thực hiện kiểm soát chặt chẽ, không để phát sinh mới hoặc mở rộng quy mô các cơ sở sản xuất than thiêu kết gây ô nhiễm môi trường. Sở TN&MT, Công an tỉnh, UBND các huyện theo thẩm quyền xây dựng kế hoạch thực hiện kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất than và đề xuất xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục chủ trì, phối hợp với Sở TN&MT và các cơ quan, tổ chức có liên quan đẩy nhanh nghiên cứu, đánh giá thẩm định các mô hình xử lý khói than hiệu quả bao gồm các mô hình đang thử nghiệm tại các cơ sở, các mô hình đề xuất mới cũng như hướng dẫn các cơ sở tiếp cận các chính sách hỗ trợ về vốn, chuyển giao công nghệ... để các cơ sở sản xuất than thiêu kết áp dụng, nhân rộng công nghệ xử lý hiệu quả.

Về lâu dài, kiến nghị UBND tỉnh có chính sách kêu gọi các tổ chức, cá nhân có điều kiện đầu tư dự án sản xuất than hoạt tính từ gáo dừa có công nghệ hiện đại và hạn chế chất thải ra môi trường thay thế các lò đốt thủ công nhỏ lẻ như hiện nay. Nghiên cứu việc đặt hàng đề tài xử lý khói thải than thiêu kết đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Đề tài, mô hình hoàn thiện và nghiệm thu càng sớm càng tốt nhưng phải đảm bảo yếu tố môi trường. Khi có mô hình phải sớm triển khai nhân rộng.

Bài, ảnh: Hoàng Phương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN