Tăng cường giải quyết ô nhiễm môi trường cơ sở sản xuất than thiêu kết

03/04/2024 - 04:26

BDK - Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trịnh Minh Khôi cho biết, sở đã tích cực phối hợp triển khai thực hiện công văn của UBND tỉnh về việc tiếp tục tăng cường giải quyết ô nhiễm môi trường đối với cơ sở sản xuất than thiêu kết (TTK) và ý kiến kết luận của Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh về giải quyết ô nhiễm môi trường đối với các cơ sở sản xuất TTK. Đến hết năm 2023, các cơ sở sản xuất TTK phải xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

Nhiều cơ sở sản xuất than thiêu kết quan tâm khắc phục ô nhiễm môi trường.

Nhiều cơ sở sản xuất than thiêu kết quan tâm khắc phục ô nhiễm môi trường.

Trên địa bàn tỉnh còn 47 cơ sở sản xuất TTK từ gáo dừa (sử dụng lò đốt truyền thống); trong đó, huyện Giồng Trôm có 41, Bình Đại 4, Châu Thành 2 (trong đó có phát sinh mới 1 cơ sở). Cơ bản kiểm soát không để phát sinh thêm cơ sở sản xuất TTK gây ô nhiễm. Các cơ sở đang hoạt động không mở rộng quy mô, công suất.

Thời gian qua, Sở TN&MT đã thực hiện kiểm tra, thanh tra 5 cơ sở (4 cơ sở huyện Giồng Trôm và 1 doanh nghiệp tại TP. Bến Tre). Kết quả giải quyết ngưng hoạt động 1 cơ sở ở TP. Bến Tre, thông báo kết luận kiểm tra 4 cơ sở yêu cầu đến hết năm 2023 phải áp dụng xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Ngoài ra, các huyện cũng đã kiểm tra các cơ sở còn lại trên địa bàn.

Sở TN&MT đã nâng cấp phòng thí nghiệm của Trung tâm Quan trắc TN&MT là đơn vị trực thuộc đủ điều kiện, được Bộ TN&MT chứng nhận thực hiện lấy mẫu đánh giá mức độ ô nhiễm khí thải, thuận lợi cho việc hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính khi cần thiết (không phải hợp đồng thuê mướn các đơn vị từ TP. Hồ Chí Minh).

Về công nghệ xử lý khí thải từ hoạt động sản xuất TTK, năm 2021, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN cho Công ty TNHH Nhiên liệu xanh Tấn Lê đối với kết quả đề tài “Ứng dụng và hoàn thiện công nghệ lò than hóa - nhiệt phân cách ly sản xuất TTK gáo dừa thân thiện với môi trường”. Hiện nay, Trung tâm Quan trắc TN&MT thuộc Sở TN&MT phối hợp với Sở KH&CN nghiên cứu hoàn thiện và đánh giá 2 mô hình xử lý khí thải TTK cải tiến đang thực hiện trên địa bàn huyện Giồng Trôm để nhân rộng cho các cơ sở sản xuất TTK còn lại. Ngoài ra, Sở KH&CN đang phối hợp với Đại học Việt Đức, Viện Khoa học vật liệu ứng dụng thuộc Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam giới thiệu công nghệ xử lý khói thải. Hiện đã lắp ráp, hoàn thiện mô hình thử nghiệm tại 1 cơ sở sản xuất TTK tại xã Thạnh Phú Đông (Giồng Trôm).

Thời gian qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện kêu gọi đầu tư và hỗ trợ đi khảo sát thực địa, với hơn 8 lượt nhà đầu tư tìm hiểu đầu tư trong lĩnh sản xuất than từ gáo dừa và cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 1 doanh nghiệp đăng ký sản xuất TTK sử dụng máy đốt cải tiến, không sử dụng lò đốt than truyền thống; 2 doanh nghiệp đăng ký ngành nghề kinh doanh, sản xuất than ép từ than gáo dừa.

Thời gian tới, Sở TN&MT, UBND các huyện tiếp tục kiểm soát không để phát sinh mới các cơ sở sản xuất TTK gây ô nhiễm môi trường. Sở KH&CN tiếp tục chủ trì đẩy nhanh nghiên cứu, hoàn thành đề tài khoa học cải tiến mô hình xử lý khói thải TTK. Sở Kế hoạch và Đầu tư, các ngành và huyện khuyến khích các cơ sở chuyển đổi mô hình sản xuất TTK truyền thống sang mô hình cải tiến để kiểm soát, xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật. Tiếp tục kêu gọi nhà đầu tư quy mô lớn, công nghệ sản xuất hiện đại trong lĩnh vực sản xuất TTK từ gáo dừa, xử lý khí thải thải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về môi trường để phát triển kinh tế địa phương gắn bảo vệ môi trường.

“Hiện nay cơ bản kiểm soát không để phát sinh thêm cơ sở cơ sở sản xuất TTK gây ô nhiễm. Các cơ sở đang hoạt động không mở rộng quy mô, công suất. Hiện có 5 cơ sở đã thực hiện đầu tư mới, cải tiến hệ thống xử lý khí thải. Nhiều cơ sở đã quan tâm thực hiện cải tạo, sửa chữa, vận hành lại hệ thống xử lý khí thải hiện hữu để giảm thiểu được một phần ô nhiễm môi trường”.

(Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Trịnh Minh Khôi)

Bài, ảnh: Trần Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN