Phụ nữ Thừa Đức nhiệt tình tham gia Tổ đi chợ thay.
Khi người dân cần mua đồ sẽ kết nối cán bộ phụ trách tổ bằng nhiều hình thức khác nhau. Tùy nhu cầu thực tiễn từng nơi mà xoay sở phù hợp, trung bình đi chợ từ 2 - 3 lần/tuần, hơn 40 lượt. Thông thường, đơn hàng sẽ được người dân thông báo hôm trước hoặc trường hợp phát sinh, ít nhất 30 phút trước khi đi chợ.
Không dưới 3 buổi trong tuần, cô Ma Thị Bớt (Ba Bớt) - Tổ trưởng Tổ Phụ nữ số 1, ấp Thừa Long, 6 giờ sáng cô tranh thủ mua đầy đủ số lượng người dân gửi. Tầm 7 giờ, cô hoàn thành chuyện đi chợ thay; bắt đầu công việc làm nông, chăm sóc gia đình. “Mọi người cần cái gì, mình đi mua hộ cái nấy, nhưng rau, thịt là chủ yếu. Nhiệm vụ phải làm, cực khổ mình đâu ngại, nhín chút thời gian chan hòa nghĩa tình. Giúp người dân như giúp chính mình, giúp địa phương và toàn xã hội trong công tác phòng chống dịch bệnh”, cô Ba Bớt bộc bạch.
Thực hiện nghiêm quy định, ngưng công việc buôn bán vì dịch bệnh, bà Võ Thị Duyên - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Thừa Trung dành trọn thời gian cho công tác xã hội. Bà tích cực cùng chị em phụ nữ tham gia tổ đi chợ thay. Mỗi tuần, có khi 3 lần, thậm chí 4 lần nếu người dân cần đột xuất.
Bà Duyên chia sẻ: Người dân ghi sẵn đơn hàng treo trước cổng nhà hoặc nhắn tin qua Zalo trước ngày. Tôi tập hợp, thực hiện đi mua đồ và giao đến tận nhà. Thông qua Zalo, tôi thường kết nối tiểu thương, gửi bảng báo giá hàng hóa cho người dân xem, nhằm tạo minh bạch.
“Ý nghĩa thay việc chị em phụ nữ giúp nhau trong những ngày gian khó. Không chỉ mua hộ bó rau, miếng thịt để cho mọi người nấu bữa cơm; còn trao nhau niềm tin sức khỏe; siết chặt yêu thương. Mọi người cũng yên tâm hơn”, bà Hai Hạnh (Bùi Thị Hạnh) ở ấp Thừa Trung tâm sự.
Ngoài ra, tổ đi chợ thay còn tích cực tham gia hỗ trợ phân phát, vận chuyển quà của mạnh thường quân đến từng hộ dân có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi ngày một đoàn thể luân phiên tham gia tổ trực chợ Thừa Đức, trong đó có Hội Liên hiệp Phụ nữ xã thực hiện các công việc như: kiểm phiếu đi chợ; vận động người dân hạn chế ra đường, hiểu rõ hơn về tổ đi chợ thay - an toàn sức khỏe, chống dịch hiệu quả. Vận động nông sản góp cho Bếp ăn nghĩa tình, tự xuất chi phí nấu cháo đêm cho chốt kiểm dịch tại địa phương… là những việc làm thường xuyên của hội viên phụ nữ trong tổ đi chợ thay.
Bài, ảnh: Lê Đệ