Hải đội Biên phòng 2, Bộ đội Biên phòng tỉnh

Điểm tựa cho ngư dân trên biển

10/11/2023 - 05:37

BDK - Bên cạnh nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, bảo vệ chủ quyền vùng biển của tỉnh, trong những năm qua, Hải đội Biên phòng 2 luôn làm tốt công tác tìm kiếm cứu nạn (TKCN), cứu hộ trên biển. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị, góp phần hỗ trợ ngư dân an tâm vươn khơi bám biển phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Tàu tuần tra Hải đội Biên phòng 2 ra khơi ứng cứu ngư dân gặp nạn trên biển. Ảnh: Phương Khánh

Tàu tuần tra Hải đội Biên phòng 2 ra khơi ứng cứu ngư dân gặp nạn trên biển. Ảnh: Phương Khánh

Cứu nạn, cứu hộ trên biển

Khu vực biên giới biển của tỉnh có hơn 3.800 phương tiện khai thác hải sản, tập trung ở 3 huyện: Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú; trong đó, phương tiện khai thác xa bờ có trên 2.100 chiếc. Với số lượng lớn tàu cá, hoạt động khai thác hải sản cũng là kinh tế mũi nhọn của tỉnh, kéo theo đó tình hình tai nạn trong lao động, mất an toàn do thiên tai và các vụ việc an ninh trật tự trên biển cũng thường xuyên xảy ra.

Là lực lượng chuyên trách làm nhiệm vụ trên biển, Hải đội Biên phòng 2 luôn xác định công tác TKCN là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên. Dù thời tiết khắc nghiệt, sóng to, gió lớn, chỉ cần nhận được tin báo của tàu thuyền, ngư dân gặp nạn, cán bộ, chiến sĩ (CB, CS) đơn vị lập tức cơ động ra khơi kịp thời ứng cứu. Trong quá trình TKCN, cứu hộ, luôn phải đối mặt với nguy hiểm trên biển, nhưng với tinh thần trách nhiệm của người chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ “Vì nhân dân phục vụ”, CB, CS Hải đội Biên phòng 2 luôn đồng cam cộng khổ vượt qua mọi khó khăn vất vả, cố gắng giảm thiểu thiệt hại về tài sản cũng như đưa nạn nhân vào bờ an toàn.

Nhiều vụ việc tai nạn nghiêm trọng ảnh hưởng đến tính mạng của ngư dân, công tác tiếp cận và đưa nạn nhân vào bờ kịp thời cấp cứu là cả một quá trình. Như vụ ứng cứu anh Trần Xuân Mẫn, sinh năm 1982, ngụ xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, bị tai nạn ở vùng cổ, chảy máu nhiều, nhờ được cứu nạn khẩn cấp. Sau khi nhận thông tin từ thuyền trưởng tàu cá BT 98092TS báo có 1 thuyền viên trên tàu bị chấn thương nặng. Vị trí tàu cách cửa Hàm Luông khoảng 55 hải lý về hướng Đông Nam. Hải đội Biên phòng 2 báo cáo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và triển khai điều động tàu cao tốc BP16-98-01 cùng 9 CB, CS nhanh chóng cơ động ra hiện trường ứng cứu. Sau khi tiếp cận được tàu cá BT 98092TS, lực lượng cứu nạn đã đưa thuyền viên bị thương lên tàu, đồng thời cấp cứu cho nạn nhân và khẩn trương đưa vào bờ để chuyển đến Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Tri tiếp tục chữa trị. Trong chuyến cứu nạn này, Đại úy Nguyễn Thanh Vũ, nhân viên Quân y đơn vị kể lại: “Tôi đã trực tiếp sơ cứu cho nạn nhân. Từ khi nhận lệnh lên đường làm nhiệm vụ, mọi công tác chuẩn bị chỉ mất vài phút để cùng đồng đội ra khơi, đoạn đường rất xa, mà nạn nhân lại mất máu nhiều, kịp thời cứu nạn nhân an toàn tôi rất vui mừng và đây cũng là chuyến công tác nhiều kỷ niệm của bản thân”.

Những vụ việc cứu hộ, cứu nạn tuy không giống nhau, nhưng mọi công tác chuẩn bị phải chu đáo, kịp thời, CB, CS đơn vị luôn đặt mình trong tư thế sẵn sàng chiến đấu cao, khi có lệnh là nhanh chóng lên đường. Nhiều chuyến cứu hộ, cứu nạn đông thuyền viên, ngoài việc chăm sóc y tế, đơn vị phải chuẩn bị lương thực, thực phẩm cho người bị nạn để đảm bảo sức khỏe cho ngư dân. Như vụ việc phương tiện BT 98046 TS (hiệu Minh Phát) do ông Trịnh Văn Hải (sinh năm 1964, ngụ ấp An Thới, xã An Thủy, huyện Ba Tri) làm chủ, trong quá trình hoạt động cách bờ khoảng 12 hải lý, do sóng to tàu bị đánh chìm. 8 ngư dân trên phương tiện phải đu bám vào phần mũi của tàu còn nhô lên mặt nước. Tàu cần cứu nạn khẩn cấp. Ngay sau khi tiếp nhận và xác minh thông tin, Ban Chỉ huy Hải đội Biên phòng 2 đã báo cáo cấp trên và điều động tàu cao tốc BP16-98-01 cùng 8 CB, CS khẩn trương ra hiện trường thực hiện nhiệm vụ cứu hộ. Khi tiếp cận phương tiện gặp nạn, cứu vớt toàn bộ 8 thuyền viên đưa lên tàu, CB, CS đơn vị chăm sóc sức khỏe, đảm bảo lương thực cho mọi người, đưa vào bờ an toàn…

Điểm tựa yên bình cho ngư dân

Với đặc thù công việc luôn phải hoạt động trong điều kiện thời tiết bất lợi, chỉ cần một sơ suất nhỏ sẽ khiến mọi thứ trở nên phức tạp. Vì thế, công tác TKCN, cứu hộ đòi hỏi phải nhanh, chính xác và phán đoán đúng vị trí tàu gặp nạn, từ đó tiếp cận và đưa ra phương án ứng cứu kịp thời. Nói đến kinh nghiệm đi biển cứu nạn, cứu hộ phải kể đến Thiếu tá Phạm Hoàng Hậu - Phó thuyền trưởng tàu tuần tra cao tốc BP 16-98-01, với hơn 20 năm đi biển, vượt qua bao khó khăn, nguy hiểm, anh luôn cùng đồng đội ứng cứu thành công nhiều vụ tai nạn trên biển.

Lực lượng Hải đội Biên phòng 2 cứu hộ tàu cá ngư dân bị tai nạn gần cửa biển Hàm Luông. Ảnh: P. Khánh

Lực lượng Hải đội Biên phòng 2 cứu hộ tàu cá ngư dân bị tai nạn gần cửa biển Hàm Luông. Ảnh: P. Khánh

Vất vả là thế, nhưng ở những người lính Hải đội Biên phòng 2 luôn cảm thấy vui, hạnh phúc vì đã mang lại điểm tựa yên bình và niềm vui cho ngư dân trên biển. Trong 2 năm gần đây, Hải đội Biên phòng 2 đã cứu hộ, cứu nạn kịp thời 7 vụ tàu thuyền gặp nạn trên biển, đảm bảo an toàn cho 34 ngư dân; kêu gọi hàng trăm lượt tàu thuyền vào bờ tránh, trú bão. Chính sự hỗ trợ, ứng cứu kịp thời, hiệu quả của lực lượng cứu nạn trên biển đã củng cố thêm niềm tin cho bà con ngư dân và được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đánh giá cao.

Vào thời điểm cuối năm, diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho tàu và ngư dân khai thác hải sản trên biển. Để làm tốt công tác phòng chống thiên tai và TKCN, ngay từ đầu năm, Hải đội Biên phòng 2 đã triển khai các kế hoạch công tác đến toàn thể CB, CS trong đơn vị; thường xuyên tổ chức luyện tập theo từng phương án, tình huống TKCN; phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng liên quan, chính quyền và nhân dân địa phương. Đồng thời đơn vị luôn làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức cho CB, CS... Qua đó, tinh thần trách nhiệm của từng đồng chí luôn được nâng cao, xác định rõ nhiệm vụ trên mặt trận cứu nạn, cứu hộ. Khi có tình huống xảy ra, Hải đội Biên phòng 2 sẵn sàng dốc toàn lực thực hiện nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao nhất nhằm hạn chế thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân, ổn định cuộc sống, giúp ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển.

Phương Nguyễn

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN