Diệu kỳ rubik

17/03/2017 - 07:33

Nhựt Huy biểu diễn xoay rubik.

Quán cà phê học sinh của anh bạn tôi một chiều cuối tuần nhộn nhịp. Tại đây đang diễn ra một giải thi đấu rubik nho nhỏ, thu hút nhiều thí sinh tham gia, đa số là học sinh trung học. Bắt chuyện với Nhựt Huy, học sinh lớp 910 Trường THCS TP. Bến Tre và cũng là thành viên ban tổ chức cuộc thi, tôi bắt đầu khám phá về rubik.

Rubik là tên gọi của một trò chơi giải đố cơ học, được phát minh vào năm 1974 bởi Giáo sư Erno Rubik, người Hungary. Rubik tiêu chuẩn là một khối lập phương 6 mặt, bao gồm 26 khối vuông nhỏ cùng kích thước gắn kết với nhau xoay quanh một kết cấu khung làm lõi ở tâm. Mỗi mặt của rubik có 1 màu, thường là: trắng, đỏ, vàng, xanh dương, xanh lá và cam. Trò chơi bắt đầu bằng việc xáo trộn tất cả vị trí các ô vuông ở mỗi mặt và người chơi có nhiệm vụ xoay làm sao để màu sắc của mỗi mặt rubik trở lại đồng nhất với nhau.

Người ta tính toán, đối với một khối rubik tiêu chuẩn 3x3x3 có tới hơn 43 tỷ tỷ cách sắp xếp các khối. Chính vì vậy, mỗi lần xáo trộn vị trí các khối màu là có một “bài toán” mới đòi hỏi người chơi phải vận dụng linh hoạt các nguyên tắc để giải, không có lần nào giống lần nào. Đây chính là điểm thu hút tuyệt đối của rubik.

Câu chuyện của Huy và rubik bắt đầu cách nay 3 năm. Tò mò với khối lập phương lục sắc, Huy đã mua về chơi thử và bắt đầu đam mê rubik. Với Huy, rubik mang đến nhiều điều thú vị, ngoài rèn luyện tư duy, giải trí, thì thông qua quá trình tổ chức nhóm bạn cùng sở thích, Huy ngày một trưởng thành hơn, em hình thành được cách tổ chức công việc, làm việc nhóm, quen biết được nhiều bạn bè. Là một người chơi có kinh nghiệm, Huy thường được nhờ hướng dẫn cho những người mới tìm hiểu về rubik. Khi được Huy hướng dẫn, tôi nhận thấy khả năng truyền đạt của em rất tốt.

Khi thấy Huy đam mê với rubik, ba mẹ em tỏ ra lo lắng vì sợ em mải chơi mà xao lãng việc học. Đến khi hiểu được những lợi ích mang đến từ trò chơi cũng như thấy em luôn cân đối giữa học và chơi, ba mẹ em mới yên tâm.

Nhìn vẻ chăm chú của Huy với khối rubik xoay nhanh trên tay, tôi cảm giác như đang xem một màn ảo thuật. Khối rubik tôi vừa xáo trộn lẫn lộn chỉ trong nháy mắt đã trở lại trật tự các màu như ban đầu. “Thành tích tốt nhất khi giải một khối rubik 3x3x3 của em hiện nay là 8 giây 56. Mỗi lần giải xong rubik em đều cảm thấy rất thích thú, giống như mình vừa vượt qua một trở ngại vậy”, Huy tự hào chia sẻ.

So với lúc mới hình thành, rubik ngày nay đã phát triển lên một bước mới, bên cạnh khối 3x3x3 tiêu chuẩn, còn có khối 2x2x2, 4x4x4 và nhiều hơn để tăng độ thử thách cho người chơi như 7x7x7, 11x11x11 hay thậm chí là 17x17x17. Ngoài ra, còn có nhiều loại rubik biến thể như rubik hình tròn, rubik tứ diện (pyraminx), rubik ma thuật, rubik bát diện (Skewb Diamond), rubik đa chiều, rubik cầu vồng, rubik có các khối không đều nhau… Thử thách với rubik cũng đa dạng hơn như: giải tốc độ, giải bằng 1 tay, giải rubik bịt mắt. Nguyên tắc đơn giản nhưng biến hóa đa dạng, dễ hiểu tại sao rubik thu hút người chơi đến vậy. Đó là cảm giác được thử thách và chinh phục thử thách khi giải xong một tình huống khó, hoặc tăng tốc độ hơn trước. Chơi rubik cũng là rèn tính kiên nhẫn và vượt qua chính mình, giải được rồi đến giải nhanh, và giải nhanh hơn, khó hơn. Đồng thời đây cũng là trò chơi mang tính sáng tạo cao vì mặc dù hiện nay đã có các công thức hướng dẫn giải rubik trong các trường hợp nhất định nhưng người chơi phải biết vận dụng linh hoạt, đồng thời có cách chơi cho riêng mình để có thể giải nhanh hơn mà không phụ thuộc vào công thức. Rubik vì vậy mà thu hút người chơi không ngừng với những biến hóa đa dạng của nó.

Trong thời đại công nghệ số, khi đa số thanh thiếu niên bị cuốn vào những trò chơi trực tuyến, game online, mạng xã hội, kèm theo đó là những hệ lụy tiêu cực thì một bộ phận giới trẻ vẫn dành trọn niềm đam mê với rubik. Kéo bạn trẻ khỏi màn hình máy tính và điện thoại, thế giới ảo, tập trung vào một khối lập phương để vừa học vừa chơi, có thể nói rubik đã có một tác động tích cực đối với xã hội. Không chỉ thanh thiếu niên mà nhiều người lớn cũng đam mê trò chơi trí tuệ này. Được biết, vừa qua, Trường THCS TP. Bến Tre đã tổ chức một cuộc thi rubik cho học sinh trong trường. Cuộc thi đã dấy lên phong trào chơi trò chơi lành mạnh trong các em học sinh, được đông đảo các em hưởng ứng và phụ huynh ủng hộ.

Tạm biệt Huy, tôi bắt đầu xoay những vòng đầu tiên trên khối rubik mới toanh của chính mình.

Bài, ảnh: Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN