Điều trị người bệnh Covid-19 tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Bến Tre

25/08/2021 - 18:30

BDK.VN - “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?” lời bài hát cất lên làm tim tôi thổn thức. Chúng tôi, những thầy thuốc công tác trong Bệnh Viện Lao và Bệnh phổi tỉnh, một môi trường chứa mầm bệnh lây nhiễm nguy hiểm. Trong trận chiến với dịch Covid-19, bệnh viện lại tiếp nhận điều trị người bệnh Covid-19, nguy hiểm chồng hiểm nguy.

Đội ngũ cán bộ y tế khu điều trị người bệnh Covid-19.

Đội ngũ cán bộ y tế khu điều trị người bệnh Covid-19.

Tâm lý người bệnh nhiễm Covid-19 không ổn định, họ lo lắng và bất an. Các y, bác sĩ phải giải thích, động viên tinh thần để người bệnh lạc quan, ổn định và thoải mái hơn mà an tâm điều trị bệnh. Còn các y, bác sĩ thì tự động viên mình cố lên mọi việc sẽ ổn, sẽ sớm được về nhà.

Tháng 4-2021, bệnh viện tiếp nhận 18 ca dương tính với Covid-19 là công dân Việt Nam nhập cảnh từ Philippines. Căn cứ theo kế hoạch ứng phó theo từng giai đoạn thì bệnh viện khẩn trương chuẩn bị tiếp nhận người bệnh vào khu cách ly điều trị người bệnh nhiễm dưới 20 giường, bệnh viện thực hiện hai chức năng vừa điều trị Covid-19, vừa thực hiện nhiệm vụ điều trị người bệnh về lao, phổi. Điều này đảm bảo cho bệnh viện không bị gián đoạn trong cung ứng các dịch vụ khám chữa bệnh cho bệnh nhân lao và bệnh phổi trong tình hình dịch bệnh đang bùng phát. Bệnh viện đã hoàn thành điều trị cho ra viện 18 công dân Việt Nam nhập cảnh từ Philippines xuất viện về với gia đình.

Khi các tỉnh phía Nam bùng phát dịch ở cộng đồng, trong đó có các tỉnh giáp ranh Bến Tre lượng bệnh rất cao. Để ứng phó với giai đoạn 2 của dịch, tháng 7-2021, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Bến Tre được chuyển đổi công năng từ bệnh viện chuyên điều trị các bệnh về lao, phổi sang bệnh viện chuyên điều trị cho bệnh nhân Covid-19.

Việc chuyển đổi công năng khiến bệnh viện phải dừng toàn bộ hoạt động khám chữa bệnh thông thường sang chuyên điều trị Covid-19. Bên cạnh đó, bệnh viện vẫn phải quản lý công tác chống lao của toàn tỉnh. Các cán bộ, y, bác sĩ trong bệnh viện chạy đua với thời gian bố trí cơ sở vật chất cho 14 khu theo thiết kế của một bệnh viện dã chiến với phương châm “làm hết việc, không làm hết giờ, sẵn sàng chờ lệnh điều động”.

Chuyện gì đến cũng đến, lượng bệnh tăng lên nhanh chóng, tin báo nhận bệnh trong đêm liên tục, Ban giám đốc, lực lượng điều trị và hậu cần thức trắng đêm để theo dõi cập nhật tình hình xử lý mọi tình huống xảy ra chính xác, kịp thời.

Sàng lọc Covid-19 định kỳ hàng tuần cho nhân viên y tế.

Sàng lọc Covid-19 định kỳ hàng tuần cho nhân viên y tế.

Khi điều trị cho người bệnh lao, phổi chỉ cần khuyên bệnh nhân luôn mang khẩu trang y tế, che miệng khi ho còn nhân viên y tế chỉ mang N95 là đủ, bạn có thể nhìn ánh mắt biết họ đang cười. Nhưng chăm sóc người bệnh Covid-19, bạn sẽ không nhận ra ai đang đi trong khu điều trị, toàn bộ đều phủ kín một màu xanh hay màu trắng, mồ hôi chảy không thể lau, nước không thể uống, môi khô miệng khát, cảm nhận vị mặn đắng của mồ hôi, những vết thương trên mặt đau rát do phải đảm bảo độ khít của N95.

Và cái mà nhân viên y tế của chúng tôi có được lúc này là nét đẹp tâm hồn, tấm lòng “lương y như từ mẫu”. Những cống hiến không mệt mỏi của lực lượng thầy thuốc tuyến đầu trong điều trị người bệnh Covid-19 tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Bến Tre đã tạo nhiều cảm xúc đặc biệt với nhiều cung bậc khác nhau. Đó là cảm xúc đẹp của mỗi người được cống hiến tuổi trẻ của mình vào những thời điểm đất nước còn khó khăn với những hoạt động xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng.

Những hình ảnh của chiến sĩ áo trắng thật trân quý khi họ đã nỗ lực hết mình, không kể ngày đêm, không kể ngày nghỉ để thực hiện nhiệm vụ chống dịch Covid-19 như chống giặc, giữ cuộc sống yên bình quê hương, đất nước. Những chiến công trong một mặt trận không có tiếng súng nhưng cũng đầy khóc liệt và vất vả.

Bài, ảnh: Phan Huyền

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN