Định hướng bồi dưỡng học sinh giỏi và thi tuyển sinh lớp 10

01/04/2024 - 05:38

BDK - Từ năm học 2024-2025, Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 triển khai đến lớp 9. Với sự thay đổi về môn học trong Chương trình GDPT 2018, việc tổ chức thi học sinh giỏi (HSG) lớp 9 và thi tuyển sinh lớp 10 THPT (năm học 2025-2026) sẽ có sự khác biệt so với trước đây và dự báo gặp khó khăn nhất định cần chủ động các phương án thực hiện.

Nhiều học sinh lớp 9 quan tâm tìm hiểu những thay đổi phương án tuyển sinh lớp 10.

Nhiều học sinh lớp 9 quan tâm tìm hiểu những thay đổi phương án tuyển sinh lớp 10.

Đề xuất 2 phương án

Năm 2024 là năm cuối cùng lứa học sinh lớp 9 sẽ thi tuyển vào lớp 10 theo Chương trình GDPT 2006. Đến thời điểm này, nhiều học sinh và giáo viên vẫn chưa hình dung được phương án thi tuyển sinh lớp 10 THPT như thế nào, lộ trình ra sao vì chương trình mới, một số môn học, gồm: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử đã tích hợp thành 2 bộ môn mới hoàn toàn, thay bằng môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý. Khi đó, phương án thi, đề thi sẽ khác so với hiện nay.

Trưởng phòng Quản lý chất lượng và Công nghệ thông tin, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Võ Thanh Vương Đạo cho biết: Với việc phân môn Chương trình GDPT 2018 môn Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội không phù hợp với tuyển sinh lớp 10 THPT chuyên. Theo điều lệ mới của Bộ GD&ĐT, các môn chuyên thi vào trường chuyên, điều kiện tuyển sinh lớp 10 chuyên do Sở GD&ĐT đề xuất trình UBND tỉnh phê duyệt theo điều lệ của trường chuyên. Do đó, từ năm học 2024 - 2025, kỳ thi chọn HSG cấp huyện/tỉnh do tỉnh tổ chức, sẽ có thay đổi để phù hợp với môn học trong chương trình.

Để tổ chức thực hiện kỳ thi HSG lớp 9 và tuyển sinh lớp 10 THPT năm học đạt hiệu quả, phù hợp quy định, mới đây, Sở GD&ĐT đã tổ chức hội nghị định hướng bồi dưỡng HSG, thi tuyển sinh lớp 10 từ năm học 2025-2026; triển khai phương án, định dạng đề thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 theo Chương trình GDPT 2018 để lấy ý kiến, trao đổi những phương án dự kiến thực hiện.

Tại hội nghị, phòng chuyên môn Sở GD&ĐT dự kiến 2 phương án tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập từ năm 2025-2026. Phương án 1: Tổ chức thi tuyển 3 môn Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh để lấy tổng điểm làm cơ sở xét tuyển vào lớp 10 công lập, không cộng điểm rèn luyện học tập các lớp cấp THCS vào điểm xét tuyển (Ngữ văn, Toán hệ số 2). Đối với tuyển sinh vào Trường THPT Chuyên Bến Tre thi 4 môn, gồm:  Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh và 1 môn chuyên.

Phương án 2: Tổ chức thi tuyển 2 môn Ngữ văn, Toán, để lấy tổng điểm làm cơ sở xét tuyển vào lớp 10 công lập, không cộng điểm rèn luyện học tập các lớp cấp THCS vào điểm xét tuyển. Đối với tuyển sinh vào Trường THPT Chuyên Bến Tre thi 3 môn, gồm: Ngữ văn, Toán và 1 môn chuyên.

Môn thi HSG sẽ thay đổi, cấp THCS 7 môn: Ngữ văn; Lịch sử và Địa lý; Giáo dục công dân; Tiếng Anh; Toán; Khoa học tự nhiên; Tin học. Thi HSG cấp THPT 10 môn: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tiếng Anh, Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học. Nội dung thi và cấu trúc đề thi môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý có 2 phần: Phần chung (20% điểm số) dành cho tất cả thí sinh dự thi và phần tự chọn (80% điểm số) - thí sinh tự chọn 1 trong 3 phần (đối với môn Khoa học tự nhiên) và 1 trong 2 phần (đối với môn Lịch sử và Địa lý).

Xây dựng dự thảo phương án

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT với tiêu chí đánh giá đúng, công bằng về năng lực học sinh làm cơ sở phân luồng học sinh vào học cấp THPT, không gây áp lực quá nhiều lên học sinh và phụ huynh. Với tiêu chí này, Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Tri Phan Hoàng Diệu bày tỏ ý kiến đồng tình phương án 1. Bởi ưu điểm không có nhiều thay đổi đột ngột trong tổ chức thi, giảm ảnh hưởng đến sự chuẩn bị của phụ huynh, học sinh. Việc không sử dụng kết quả đánh giá trong lớp giúp giảm áp lực cho giáo viên khi đánh giá học sinh, khắc phục việc đánh giá học sinh không giống nhau giữa các trường và giữa các giáo viên trong trường.

Trao đổi về phương án 2, Trưởng phòng Võ Thanh Vương Đạo cho hay sẽ giảm thời gian, kinh phí tổ chức thi, tập trung chỉ đánh giá năng lực học sinh thông qua (ngôn ngữ và tư duy toán học), giảm một phần áp lực cho học sinh trong ôn tập chuẩn bị dự thi do ít môn thi hơn. Tuy nhiên, hạn chế phương án không mang tính động viên học sinh học tốt Tiếng Anh dẫn đến có thể ảnh hưởng đến chất lượng học tập môn Tiếng Anh tại các trường. Bỏ thi môn ngoại ngữ sẽ là một thay đổi đột ngột đối với nhiều học sinh đã có chuẩn bị trong nhiều năm để học tốt môn Tiếng Anh. Mặt khác, trường hợp học sinh đủ điểm tuyển sinh vào lớp 10 nhưng năng lực ngoại ngữ yếu và khó khắc phục nhược điểm này khi học sinh vào học cấp THPT và vào đại học.

Theo Phó giám đốc Sở GD&ĐT Võ Văn Bé Hai: Với mục tiêu nâng cao chất lượng GD&ĐT tỉnh và hướng đến người học, Sở GD&ĐT tiếp thu các ý kiến từ giáo viên và sẽ lắng nghe phản hồi từ các trường để sớm xây dựng dự thảo đề cương về phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2025-2026, kỳ thi HSG cấp tỉnh năm học 2024-2025. Sau khi xây dựng dự thảo phương án, ngành GD&ĐT trình UBND tỉnh xin ý kiến phê duyệt để thống nhất phương án triển khai trong thời gian tới.

Theo kế hoạch giáo dục cấp THCS có 10 môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, Công nghệ, Tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật). Kế hoạch giáo dục cấp THPT 5 môn bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh và môn tự chọn với 3 nhóm môn Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật), nhóm môn Khoa học tự nhiên (Vật lý, Sinh học, Hóa học), nhóm môn Công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật).

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN