Bí thư Tỉnh đoàn Lâm Như Quỳnh báo cáo tham luận tại hội nghị Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh. Ảnh: Thanh Đồng
Thứ nhất, giải pháp về nguồn nhân lực. CĐS cần có nguồn nhân lực chất lượng cao để có thể làm chủ công nghệ mới, phục vụ cho việc triển khai CĐS. Đó cũng là điều mà các cơ quan, doanh nghiệp, các lĩnh vực trong xã hội nói chung và cơ quan Đoàn TN nói riêng gặp khó khăn. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tạo điều kiện, cơ chế đặc thù để tổ chức Đoàn TN xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực và phải là một bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển dài hạn của tỉnh.
Cần có giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hiện hữu trong xã hội, nhất là lực lượng trẻ, ĐV, TN. Đặc biệt là đội ngũ cán bộ, chuyên viên chủ chốt Đoàn các cấp thông qua các hoạt động huấn luyện, đi thực tế tại các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ số. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực trẻ trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ, có cơ chế thu hút nhân tài về tỉnh, tạo môi trường, điều kiện để các nhân tài phát triển. Hỗ trợ các nhà khoa học, trí thức trẻ chuyển giao công nghệ cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong việc số hóa các hoạt động trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và đưa các công trình nghiên cứu có tính ứng dụng vào thực tiễn.
Thứ hai, giải pháp về vốn đầu tư. Đầu tư cho CĐS là đầu tư để thay đổi, từ nhận thức, chiến lược, nhân lực, cơ sở hạ tầng tới giải pháp công nghệ chính. Đây là công cuộc đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn. Do đó, việc phải đầu tư lớn về tài chính và nhân lực cần được các cơ quan chuyên môn nghiên cứu chắc chắn về hiệu quả cũng như đối mặt với nguy cơ thất bại. Từ đó, đưa ra các giải pháp đầu tư hiệu quả.
Thứ ba, giải pháp trong thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Tỉnh có thể có chính sách mạnh mẽ hơn, quy định về thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt áp dụng cho các chợ loại 1, các loại hình dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh, theo mức độ tăng dần hàng năm như: ít nhất 20% tổng lượt giao dịch/tháng (năm 2022), 50% vào năm 2023, 80% vào năm 2024, 100% vào năm 2025, đi kèm với chính sách khuyến khích tiểu thương thực hiện. Đồng thời, chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh tiên phong thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Thứ tư, giải pháp từ nhận thức của ĐV, TN và xã hội. CĐS tại tổ chức Đoàn nói riêng và xã hội nói chung sẽ tác động lớn đến đời sống, vật chất, tinh thần của người dân và hoạt động trong công tác Đoàn. Vì vậy, thực tế buộc các ngành các cấp phải tăng cường tuyên truyền, định hướng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, nhưng phải đảm bảo hiệu quả, dễ hiểu, dễ nhớ, góp phần nâng cao nhận thức về hoạt động CĐS và đặc biệt là lợi ích mang lại khi CĐS đến đông đảo ĐV, TN và xã hội.
T. Đồng (ghi)