 |
Công nhân lao động tại Công ty TNHH May xuất khẩu Việt Hồng nêu ý kiến tại buổi đối thoại. Ảnh: T.Quốc |
Ngày 19-6-2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 60 quy định chi tiết Khoản 3 Điều 63 của Bộ luật Lao động về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc. Theo quy định, có hai hình thức thực hiện dân chủ tại nơi làm việc: đối thoại tại nơi làm việc và hội nghị người lao động.
Đối thoại tại nơi làm việc do người sử dụng lao động chủ trì, phối hợp với đại diện tập thể lao động tại cơ sở thực hiện 3 tháng/lần để trao đổi, thảo luận các nội dung quy định tại Điều 64 của Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2012. Mục đích của đối thoại tại nơi làm việc là nhằm nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng, vướng mắc về chế độ, chính sách của công nhân, viên chức, lao động, chăm lo đời sống người lao động (NLĐ), xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp (DN). Đối thoại tại nơi làm việc là giải pháp tốt để tháo gỡ những bức xúc, căng thẳng trong quan hệ giữa NLĐ và người sử dụng lao động. Những vụ tranh chấp lao động tập thể xảy ra thường do thiếu thông tin giữa chủ DN với công nhân lao động và việc tổ chức đối thoại tại những nơi này chưa được chủ DN thực hiện đầy đủ, nghiêm túc theo tinh thần Nghị định số 60.
Thời gian qua, một số DN đã tổ chức đối thoại tại nơi làm việc với các hình thức như: đối thoại khi có một bên yêu cầu, đối thoại gắn với hội nghị NLĐ, đối thoại định kỳ theo quy định. Đối thoại khi có một bên yêu cầu được DN thực hiện thường xuyên, bởi trong quá trình lao động, sản xuất, trong quan hệ lao động, khi có vấn đề công nhân lao động yêu cầu thì ban chấp hành công đoàn cơ sở đề nghị chủ DN đối thoại, thương lượng giải quyết. Trên địa bàn Bến Tre, các đơn vị, DN thực hiện đối thoại đều đặn gồm: Công ty TNHH May xuất khẩu Việt Hồng, Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước, Công ty TNHH MTV Công trình đô thị (TP. Bến Tre), Công ty TNHH May mặc Alliance One (Khu Công nghiệp Giao Long), Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới (Khu Công nghiệp An Hiệp)…
Qua đối thoại, chủ DN được nghe những thông tin, phản hồi khách quan về quá trình tổ chức sản xuất, kinh doanh, công tác quản lý, các hoạt động của DN, để có những quyết sách, cách quản lý đúng đắn, tạo sự đồng thuận cao của tập thể lao động, thêm động lực để NLĐ làm việc hăng hái, nhiệt tình và trách nhiệm hơn.
Qua đối thoại, công nhân lao động được tôn trọng hơn, những vấn đề bức xúc, thắc mắc được giải quyết, cập nhật rõ ràng thông tin về các chế độ chính sách của đơn vị. Công nhân lao động hiểu biết nhiều hơn về DN, về chủ DN, từ đó an tâm lao động.
Qua đối thoại, công đoàn có sự chia sẻ thông tin, tham vấn thường xuyên giữa chủ doanh nghiệp với công đoàn.
Tuy nhiên, đối thoại tại nơi làm việc vẫn còn gặp một số khó khăn: Nhiều DN chưa tổ chức đối thoại định kỳ 3 tháng/lần theo quy định. Một số nơi thực hiện nhưng hiệu quả chưa cao, do công nhân lao động e ngại phát biểu, sợ bị thành kiến, trù dập; việc tổ chức đối thoại chưa đúng qui trình, nội dung quy định. Từ đó, những vấn đề NLĐ đưa ra trở thành phê phán chủ DN hoặc khi NLĐ có ý kiến trao đổi, đề xuất thì người sử dụng lao động tỏ thái độ phủ nhận, đưa đến kết quả đối thoại không đạt yêu cầu, nhất là ở các đơn vị nợ bảo hiểm xã hội kéo dài, các chế độ chính sách của NLĐ như: chế độ thai sản, bảo hiểm thất nghiệp, khám điều trị bệnh… không được thực hiện, làm cho đối thoại tại DN gặp nhiều khó khăn.
Thiết nghĩ, để đối thoại tại nơi làm việc hiệu quả, chủ DN phải thực hiện đúng quy định của pháp luật và thật sự dân chủ; cán bộ công đoàn phải chuẩn bị đầy đủ cơ sở, kỹ năng thương lượng, đối thoại để làm tốt vai trò đại diện cho NLĐ và NLĐ trình bày ý kiến trên tinh thần trách nhiệm. Có như thế, đối thoại tại nơi làm việc mới đảm bảo đúng mục đích, yêu cầu đề ra, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa và tiến bộ trong DN.