Giáo dục lịch sử và truyền thống, bài 3

Đổi mới hình thức tuyên truyền, giáo dục đối với đoàn viên, học sinh

27/07/2020 - 06:54

BDK - Bối cảnh xã hội ngày nay đang đặt ra nhiều thách thức cho công tác Đoàn - Hội nói chung, trong đó có tuyên truyền, giáo dục truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” cho đoàn viên, học sinh. Vấn đề đặc biệt quan tâm là đổi mới cách thức tuyên truyền, triển khai thực hiện để đạt hiệu quả cao hơn.

Các em học sinh  Mỏ Cày Nam dọn vệ sinh Đền thờ liệt sĩ. Ảnh: Ánh Nguyệt

Các em học sinh  Mỏ Cày Nam dọn vệ sinh Đền thờ liệt sĩ. Ảnh: Ánh Nguyệt

Nhân dịp tham gia hoạt động Ngày hội thanh niên Bến Tre với truyền thống văn hóa nhân Ngày hội truyền thống văn hóa tỉnh Bến Tre 1-7, chị Trương Việt Trinh - Bí thư Xã đoàn Tân Xuân (Ba Tri) chia sẻ: Qua hơn 5 năm gắn bó với công tác Đoàn, chị nhận thấy ý thức, trách nhiệm phát huy truyền thống của một bộ phận thanh niên có dấu hiệu phai nhạt. Nguyên nhân do cách tuyên truyền từng lúc còn khô cứng, chưa phù hợp với xu hướng của thanh thiếu niên. Nhiều hoạt động còn mang tính bề nổi, chưa tác động vào nhận thức của thanh niên.

Đối với công tác Đoàn tại trường học cũng còn vướng một số hạn chế. Đội ngũ cán bộ Đoàn trường là học sinh thay đổi theo từng năm học nên hạn chế trong việc triển khai các hoạt động, phong trào. Theo anh Lương Tấn Lộc - Trợ lý thanh niên Trường THPT Ngô Văn Cấn (Mỏ Cày Bắc), Ban Chấp hành Đoàn trường còn một vài bộ phận chưa ý thức được vai trò, vị trí của người cán bộ Đoàn nên đôi lúc triển khai hoạt động chưa hiệu quả. Mặt khác, các trường học chủ yếu thông qua các kênh như: tuyên truyền trực tiếp (sinh hoạt lớp, sinh hoạt dưới cờ, tọa đàm…) hoặc sử dụng mạng xã hội (facebook, zalo)… bên cạnh thuận lợi thì có những khó khăn phát sinh như: khó kiểm soát mức độ tiếp nhận, phản hồi, cũng như việc chia sẻ, bình luận về nội dung.

Thời gian qua, Tỉnh Đoàn đã đẩy mạnh tuyên truyền thông qua hoạt động Fanpage Facebook Tuổi trẻ Bến Tre để tương tác với đoàn viên, thanh niên. Các đơn vị huyện đoàn, xã đoàn, đoàn trường học sử dụng mạng xã hội để tiếp cận và tương tác với đoàn viên, học sinh. Hiện nay, các bạn trẻ hầu như đều sử dụng điện thoại thông minh, tham gia mạng xã hội. Tổ chức Đoàn - Hội hoạt động tuyên truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội với cách thức phù hợp với giới trẻ sẽ làm tăng hiệu quả trong giáo dục tư tưởng. Cùng với đó là thực hiện chủ trương “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” cũng nhằm lan tỏa những nội dung tích cực, đẩy lùi những thông tin tiêu cực trên mạng xã hội.

Theo anh Lương Tấn Lộc, trong thời gian tới, Đoàn trường tiếp tục công tác tuyên truyền giáo dục sâu rộng trong đoàn viên, học sinh. Việc bám sát, tham mưu với Đảng bộ trường và nhận sự định hướng từ cấp ủy là điều quan trọng đối với mọi hoạt động, đặc biệt là đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn và giáo dục đạo đức, lý tưởng của học sinh.

“Đoàn trường dự kiến nghiên cứu thực hiện phong trào, hoạt động này theo hướng tiếp cận đa chiều. Nghĩa là, nội dung phần việc không chỉ dừng lại ở việc phụng dưỡng, thăm hỏi, tặng quà, học tập lịch sử địa lý địa phương thông qua việc về nguồn… mà còn là gây nguồn quỹ lớn hơn nhằm mục đích góp phần xây dựng, tôn tạo những di tích lịch sử quan trọng tại địa phương. Đồng thời, đưa phong trào trở thành một trong những chuẩn mực đánh giá chất lượng chi đoàn và đoàn viên tại trường”, anh Lương Tấn Lộc nói.

Thực hiện Kế hoạch số 3240 của UBND tỉnh, kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2020), có nhiều hoạt động cần tập trung. Trong đó có công tác tuyên truyền về ý nghĩa Ngày Thương binh, liệt sĩ; các chủ trương, chính sách, chế độ ưu đãi của Đảng và Nhà nước đối với người có công với cách mạng. Thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ, chính sách người có công theo quy định, tránh sai sót, chậm trễ. Quan tâm đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Các đơn vị phụng dưỡng, các địa phương tổ chức thăm hỏi, động viên và tặng quà cho mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công. Phát động đợt vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” để hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở cho người có công với cách mạng gặp khó khăn về nhà ở, hỗ trợ thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong cuộc sống.

“Thế hệ kế thừa hôm nay phải luôn ghi nhớ và trân trọng lịch sử, phải luôn đặt công tác giáo dục chính trị tư tưởng lên hàng đầu. Từ đó, để thấy được công lao của người đi trước và trách nhiệm của người hiện tại, tiếp nối gìn giữ và phát triển quê hương”.

(Ông Trần Công Ngữ - nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh, Phó chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh)

Ph. Hân - Th. Đồng - A. Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích