Đờn ca tài tử Bến Tre: Ðồng hành cùng âm nhạc cổ truyền Nam Bộ

17/12/2018 - 07:09

BDK - Làm thế nào để những kết quả trong hoạt động đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam Bộ nói chung, Bến Tre nói riêng được ngày càng phát huy hiệu quả hơn là nội dung chính được đề cập tại hội thảo khoa học về ĐCTT do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tổ chức. Thay đổi hình thức và nội dung hoạt động ĐCTT phù hợp theo xu thế mới là một trong những vấn đề quan trọng được giới chuyên môn quan tâm.

Trình diễn đờn ca tài tử tại hội thảo.

Trình diễn đờn ca tài tử tại hội thảo.

ĐCTT đã phát triển rộng khắp trên 21 tỉnh, thành phía Nam, mở rộng ra các tỉnh Nam Trung Bộ và người dân các tỉnh phía Bắc cũng yêu thích. Nhạc tài tử thuộc nhạc cổ điển với 20 bài bản tổ phổ biến, được sử dụng chung cho loại hình ĐCTT ở khắp nơi trong cả nước mà không có sự phân biệt vùng miền riêng lẻ.

Nét riêng xứ cù lao

Đề cập đến ĐCTT Bến Tre, Thạc sĩ - Nghệ sĩ ưu tú Huỳnh Văn Khải nhận định: “ĐCTT Bến Tre có những phong cách đặc trưng nổi bật, thể hiện trong ngón đờn: âm điệu bi hùng, nghe mùi mẫn nhưng rất mạnh mẽ, tiết tấu rất dày đặc và tiếng đờn rất dồn dập, hùng tráng; còn trong sáng tác có những cựu trào như: cô Thu Vân, anh Minh Lời và nhiều anh chị khác của Bến Tre… rất tình cảm, chân thành trong từng lời sáng tác; riêng trong ca tài tử thì tài tử Bến Tre có phong cách ca rất sống động, thu hút người nghe ngay từ những câu ca đầu tiên cùng hòa điệu tâm hồn vào bài hát”. Nghệ sĩ ưu tú Huỳnh Văn Khải cũng cho rằng loại hình nói thơ Lục Vân Tiên phổ biến ngày trước ở Bến Tre đã đi vào rất nhiều bài vọng cổ được lưu hành đến tận ngày hôm nay. Những đặc trưng ấy làm cho ĐCTT của Bến Tre tuy là hòa chung dòng chảy của nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ nhưng vẫn có những nét riêng, độc đáo.

Đi cùng với sự phát triển ĐCTT của các tỉnh Nam Bộ, qua từng thời kỳ, Bến Tre đều có những nghệ nhân, tài tử giỏi, có tiếng trong hoạt động ĐCTT. Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Minh Lời thông tin, trong giai đoạn hiện nay, có nhiều cá nhân nổi bật, có giải thưởng cao trong các cuộc thi cấp tỉnh và khu vực, có thể kể đến như: trong ca tài tử có Ngọc Huệ (Chợ Lách), Kim Oanh (TP. Bến Tre), Cẩm Loan, Mai Thiện Long (Mỏ Cày Nam), Kim Hằng (Thạnh Phú)… Trong đờn tài tử có: Duy Nhứt, Công Minh (TP. Bến Tre), Ba Quang, Thanh Châu (Mỏ Cày Nam), Tư Đô, Mười Sáng, Tư Đém (Chợ Lách), Minh Liêu, Minh Dũng (Bình Đại), Minh Đủ, Trường Hận, Huỳnh Châu (Châu Thành)…

Theo bà Trần Thị Kiều Tôn - Phó giám đốc Sở VHTT&DL, Bến Tre là một trong những tỉnh, thành được đánh giá là có nhiều thành tựu trong hoạt động ĐCTT ở Nam Bộ. Những người con của xứ Dừa Bến Tre đã và đang đóng góp sự sáng tạo của mình để làm giàu thêm di sản văn hóa phi vật thể mà cha ông để lại. Từ “Đề án Bảo vệ và phát huy bền vững giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ tỉnh Bến Tre, giai đoạn 2017 - 2020” do UBND tỉnh Bến Tre ban hành, Sở VHTT&DL đã triển khai thực hiện bằng nhiều hoạt động cụ thể. Điển hình như: liên hoan ĐCTT các cấp, đều đặn tổ chức liên hoan cấp tỉnh nhân Ngày hội truyền thống Văn hóa tỉnh Bến Tre 1-7; liên hoan và hội thi danh ca, danh cầm, tài tử; câu lạc bộ ĐCTT thuộc Hội Di sản văn hóa tỉnh sinh hoạt vào ngày 30 hàng tháng tại Nhà dừa; các câu lạc bộ cấp huyện, thành phố sinh hoạt mỗi tháng từ 1 - 2 lần. Song song đó, phổ biến và lưu truyền các bài bản tổ nhạc tài tử Nam Bộ trong cộng đồng; tổ chức thi viết lời mới bài bản tổ nhạc tài tử Nam Bộ và vọng cổ tỉnh Bến Tre…

Những giải pháp đổi mới

Tuy ĐCTT Bến Tre và nhiều tỉnh, thành Nam Bộ đã và đang phát triển, nhưng bên cạnh đó vẫn còn một số mặt hạn chế: chất lượng hoạt động chưa tương xứng số lượng, một số hoạt động ĐCTT ở một số nơi chưa thu hút đông đảo công chúng quan tâm, một số cuộc liên hoan ĐCTT chưa có sự đổi mới, các hoạt động chưa phát huy trong công tác xã hội hóa, chưa có nhiều sân chơi ĐCTT cho giới trẻ, công chúng mới biết đến ĐCTT…

Theo Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên - nguyên Phó trưởng khoa Sau đại học, Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh, sự đổi mới trong tổ chức liên hoan là điều cần thiết, cũng như cách tổ chức truyền dạy như thế nào để hiệu quả hơn, đặc biệt là ĐCTT bây giờ đang ở trong bối cảnh xã hội hiện đại, khác hoàn toàn so với những năm tháng trước, để từ đó người làm nghệ thuật ĐCTT suy nghĩ, cân nhắc, tìm tòi ra những hình thức, những nội dung làm sao đổi mới ĐCTT, tạo nên sức sống mới cho nghệ thuật ĐCTT. 

“Liên hoan là một dạng hoạt động ĐCTT mà hầu như tỉnh, thành nào cũng tổ chức. Đây là cơ hội để các ban, nhóm tài tử gặp gỡ, học hỏi nhau. Nghệ thuật ĐCTT là phải có công chúng, dành cho công chúng thưởng thức và từ thưởng thức vỗ tay đơn thuần tiến tới yêu thích ĐCTT, tham gia biểu diễn, sáng tác ĐCTT.  Do đó phải mở rộng sân chơi đến mọi tầng lớp, khuyến khích cho nhiều người trẻ cùng tham gia, đổi mới hình thức và nội dung phù hợp các đối tượng. Những người làm công tác quản lý và những nghệ nhân chính là lực lượng thúc đẩy quá trình thay đổi này”, Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên nói.

Một số giải pháp khác cũng được các đại biểu đưa ra như: chất lượng của nghệ nhân, người tham gia chủ yếu là ca tài tử, ít người biết đờn, hoặc đờn còn sai hay chưa giỏi nghề nên cần có sự định hướng, giảng dạy của người có chuyên môn; đề xuất xây dựng nội dung giới thiệu ĐCTT trong hệ thống giáo dục phổ thông; kết hợp các cơ quan truyền thông giới thiệu giá trị ĐCTT của quê hương; phối hợp với ngành du lịch khai thác, phát huy giá trị ĐCTT, tạo sân chơi ĐCTT phù hợp, vui tươi; phối hợp các doanh nghiệp, nhà tài trợ thực hiện phương thức xã hội hóa hoạt động ĐCTT…

Thăng trầm cùng đời sống, các bài bản tổ ĐCTT đã dần trở nên quen thuộc với nhiều người nghe như: Phụng Hoàng, Nam Ai, Nam xuân, Lưu thủy trường, Đảo ngũ cung, Tứ đại oán, Văn thiên tường… với những lời ca gần gũi đời sống người dân vùng sông nước Nam Bộ, từ hoạt động ĐCTT đã gắn kết giữa những con người đồng điệu và thêm quý trọng hơn những giá trị truyền thống quê hương.

“Cũng cần suy nghĩ thêm đối với việc sử dụng từ festival ĐCTT ở một số tỉnh trong nước. ĐCTT là bộ môn truyền thống của dân tộc, yếu tố dân tộc phải được đặt lên hàng đầu. Vì thế, có thể thay thế từ festival bằng từ tiếng Việt là lễ hội sẽ phù hợp hơn”, ông Bùi Văn Chương - Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nói thêm. Điều này cũng đã được Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên, Nghệ sĩ ưu tú Huỳnh Văn Khải đồng tình cao.

Bài, ảnh: Nguyệt Ánh

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích