Trình diễn Đờn ca tài tử tãi hội thảo. Ảnh: A. Nguyệt
Đây là chủ đề hội thảo khoa học do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT&DL) tổ chức vào ngày 14-12-2018, tại Khu ẩm thực TTC xã Phú Hưng, TP. Bến Tre.
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bùi Văn Chương, Chủ tịch Hội di sản Văn hóa tỉnh Nguyễn Quang Trị; TS. Mai Mỹ Duyên - nguyên Phó trưởng Khoa sau đại học, Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh, Th.S, Nghệ sĩ ưu tú Huỳnh Văn Khải - nguyên Trưởng khoa âm nhạc dân tộc, Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh cùng đông đảo những người làm công tác quản lý văn hóa, nghệ nhân đờn ca tài tử (ĐCTT) trong và ngoài tỉnh tham dự.
Theo Phó giám đốc Sở VH, TT&DL Trần Thị Kiều Tôn, Bến Tre là một trong những tỉnh, thành được đánh giá có nhiều thành tựu trong hoạt động ĐCTT ở Nam Bộ. Những người con của xứ Dừa Bến Tre đã và đang đóng góp sự sáng tạo của mình, góp phần làm giàu thêm di sản văn hóa phi vật thể mà cha ông để lại. Từ Đề án Bảo vệ và Phát huy bền vững giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ tỉnh Bến Tre, giai đoạn 2017-2020” do UBND tỉnh Bến Tre ban hành ngày 3-3-2017, Sở VH, TT&DL đã triển khai thực hiện bằng nhiều hoạt động cụ thể…
“ĐCTT của Bến Tre có những phong cách đặc trưng nổi bật, thể hiện trong ngón đờn: âm điệu bi hùng, nghe mùi mẫn nhưng cũng rất mạnh mẽ, tiết tấu rất dày đặc và tiếng đờn rất dồn dập, hùng tráng. Trong sáng tác có những cựu trào như: Thu Vân, Minh Lời và nhiều anh chị khác của Bến Tre… rất tình cảm, chân thành trong từng lời sáng tác. Riêng trong ca tài tử, Bến Tre có phong cách ca rất sống động, thu hút người nghe ngay từ những câu ca đầu tiên cùng hòa điệu tâm hồn vào bài hát” - ThS, Nghệ sĩ ưu tú Huỳnh Văn Khải nhận định
Hội thảo đã nêu ra nhiều vấn đề về sự hình thành, ý nghĩa trong đời sống, công tác bảo tồn, phát huy, các giải pháp trong tổ chức duy trì hoạt động hiệu quả ĐCTT; phương pháp giáo dục, đào tạo, truyền dạy ĐCTT; công tác xã hội hóa trong hoạt động ĐCTT; một số vấn đề về chuyên môn…
Theo các đại biểu, hiện nay, ĐCTT đã phát triển rộng khắp trên 21 tỉnh, thành phía Nam, mở rộng ra các tỉnh Nam Trung Bộ và người dân các tỉnh phía Bắc cũng yêu thích.
Tuy nhiên, còn một số vấn đề cần quan tâm như: Chất lượng của nghệ nhân, người tham gia chủ yếu là ca tài tử, ít người biết đờn, hoặc đờn còn sai hay chưa giỏi nghề nên cần có sự định hướng, giảng dạy của người có chuyên môn. Đề xuất xây dựng nội dung giới thiệu ĐCTT trong hệ thống giáo dục phổ thông. Kết hợp Đài truyền hình, Đài phát thanh địa phương và các cơ quan truyền thông giới thiệu giá trị ĐCTT của quê hương. Phối hợp với ngành du lịch khai thác, phát huy giá trị ĐCTT, tạo sân chơi ĐCTT phù hợp, vui tươi. Phối hợp các doanh nghiệp, nhà tài trợ thực hiện phương thức xã hội hóa hoạt động ĐCTT…
Ánh Nguyệt