Bà Lê Ngọc Vui (Mỏ Cày Bắc) có nhu cầu tư vấn: Tháng 7-2015, vợ chồng tôi có cho ông Hải thuê nhà, viết tay “Hợp đồng cho mướn nhà”, không công chứng, chứng thực.
Nội dung như sau: Vợ chồng tôi cho ông Hải thuê căn nhà cấp 4, diện tích 85m2 (ngang 5m, dài 17m). Thời hạn thuê là 3 năm, được tính từ ngày 15-7-2015; giá thuê mỗi năm là 12 triệu đồng, trả tiền 1 lần vào ngày đầu của năm tính theo hợp đồng thuê nhà; mục đích thuê là để ở và bên thuê phải giữ gìn nhà, bồi thường sửa chữa mọi hư hỏng nếu do bên thuê gây ra.
Sau khi thuê nhà, ông Hải thanh toán đủ tiền thuê nhà của năm đầu (từ tháng 7-2015 đến 7-2016). Năm thứ hai, ông Hải chỉ trả tôi có 6 triệu đồng vào tháng 8-2016, còn thiếu lại 6 triệu đồng. Cho đến nay, ông Hải không trả tiền thuê nhà cho chúng tôi. Đã vậy, khoảng giữa năm 2016, ông Hải còn tự ý ngăn vách cho người khác thuê phía trước làm chỗ mua bán tôm cá. Việc mua bán tôm cá đã gây mùi hôi thối, tôi bị hàng xóm phản ánh và phần nước thải tôm cá đã làm hư nền nhà, tường nhà của tôi.
Tôi đã nhiều lần yêu cầu ông Hải trả tiền thuê nhà và chấm dứt việc cho người khác thuê, vì không có sự đồng ý của vợ chồng tôi. Thế nhưng, ông Hải không trả nhà lại và cứ hẹn lần lựa, cố tình không trả tiền thuê nhà cho tôi và cũng không trả nhà.
Xin hỏi: Hợp đồng cho mướn nhà giữa tôi và ông Hải không có công chứng, chứng thực có được xem là hợp pháp không? Tôi có thể chấm dứt hợp đồng trước thời hạn được không? Nhà tôi bị hư hỏng, ông Hải có phải bồi thường, sửa chữa lại cho tôi không?
Thắc mắc của bà được luật sư Phạm Thị Kim Tuyến (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:
- Theo quy định tại Khoản 2, Điều 122 Luật Nhà ở 2014 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2015): “Đối với trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương; mua bán, cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; mua bán, cho thuê, mua nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư; góp vốn bằng nhà ở mà có một bên là tổ chức; cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên có nhu cầu”. Căn cứ quy định trên, thì hợp đồng cho thuê nhà được ký kết giữa vợ chồng bà và ông Hải là không trái với quy định của pháp luật, nên hoàn toàn có giá trị pháp lý để thực hiện.
Theo quy định tại Điểm b, c, đ, Khoản 2 Luật Nhà ở 2014 thì bên cho thuê nhà ở có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà và thu hồi nhà ở đang cho thuê khi thuộc một trong các trường hợp như: Bên thuê nhà không trả tiền thuê nhà ở theo thỏa thuận từ 3 tháng trở lên mà không có lý do chính đáng. Bên thuê sử dụng nhà ở không đúng mục đích như đã thỏa thuận trong hợp đồng: Bên thuê chuyển đổi, cho mượn, cho thuê lại nhà ở đang thuê mà không có sự đồng ý của bên cho thuê. Mặt khác, theo quy định tại Khoản 1, Điều 479 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì “bên thuê phải bảo quản tài sản thuê, phải bảo dưỡng và sửa chữa nhỏ; nếu làm mất, hư hỏng thì phải bồi thường”.
Căn cứ các quy định trên, trong thời hạn thuê nhà ở, do ông Hải (bên thuê nhà) không thực hiện theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng như không trả tiền thuê nhà, sử dụng không đúng mục đích, làm hư hỏng nhà ở… nên ông bà (bên cho thuê nhà) có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà trước thời hạn và thu hồi nhà đang cho thuê nói trên. Tuy nhiên, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà, ông bà phải thông báo cho ông Hải biết trước ít nhất 30 ngày, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác theo quy định tại Khoản 4, Điều 132 Luật Nhà ở 2014.
Trường hợp của ông bà, có thể khởi kiện ông Hải ra tòa án cấp huyện (nơi có nhà ở) để yêu cầu cơ quan này giải quyết.
H.Trâm (thực hiện)
H.Trâm (thực hiện)