Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Mỏ Cày Bắc nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ảnh: Quốc Hùng
Triển khai giải pháp đồng bộ
Thời gian qua, huyện đã chủ động, tranh thủ các cơ hội, tiếp cận, tạo môi trường thuận lợi nhất để thu hút các nhà đầu tư an tâm và hài lòng khi đến với huyện. Huyện đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, huy động sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị thực hiện tốt mục tiêu này. Trong nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, huyện đã phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Cụm công nghiệp Tân Thành Bình được thành lập từ năm 2018 theo Quyết định số 57/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Đây là cụm công nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, tập trung thu hút các ngành công nghiệp như: may mặc, giày da, chế biến các sản phẩm từ dừa, nông sản, thực phẩm… Cùng với đó, năm 2020 huyện tiếp tục xin kinh phí ngân sách tỉnh giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và hệ thống xử lý nước thải chung để tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp (DN) vào đầu tư.
Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình mới nhằm huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Không ngừng kêu gọi, thu hút đầu tư trên cơ sở lựa chọn các dự án đầu tư một cách hợp lý, hiệu quả, bảo đảm phát triển bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường. Xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng huyện Mỏ Cày Bắc đạt chuẩn NTM vào năm 2025.
Để xây dựng NTM đạt hiệu quả tích cực, huyện sẽ vận dụng có hiệu quả các chính sách hỗ trợ đầu tư của Trung ương, tỉnh phù hợp với nhu cầu thực tiễn nhằm thu hút mạnh các DN đầu tư phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; khuyến khích huy động nguồn vốn đầu tư từ thành phần DN để đầu tư hạ tầng nông thôn. Từ đó, hướng đến hình thành mạng lưới giao thông nông thôn thông suốt nối liền các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, về đến địa bàn xã, ấp tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, nông sản.
Phát huy lợi thế tiềm năng
Tiềm năng kinh tế của huyện hiện nay vẫn là nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây có sự chuyển dịch khá rõ nét về cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng chất lượng, hiệu quả và hình thành các chuỗi liên kết để đáp ứng nhu cầu thị trường. Diện tích cây ăn trái, rau màu… kém hiệu quả được chuyển đổi sang trồng cây có múi, dừa và cây giống, hoa kiểng. Công tác khuyến nông, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật được đẩy mạnh, xây dựng các mô hình sản xuất mới, như: trồng dừa theo hướng hữu cơ (Thanh Tân), bưởi da xanh từ Dự án JICA và nuôi gà an toàn sinh học (Tân Phú Tây), bưởi da xanh VietGAP (Tân Thành Bình). Nhiều mô hình trồng xen, nuôi xen trong vườn dừa, nhất là tôm, gà, cây có múi, cây giống, hoa kiểng đạt hiệu quả kinh tế cao đã được nhân rộng.
Cùng với sự phát triển chung của tỉnh, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng có bước phát triển khá. Giá trị sản xuất tăng bình quân 15,02%/năm. Thu nhập bình quân đầu người đạt 42,48 triệu đồng/người/năm (tăng gần gấp đôi so với năm 2015). Chương trình xây dựng NTM và đời sống văn hóa được tập trung thực hiện tạo bước chuyển mạnh mẽ. Đến nay, huyện có 4 xã: Tân Thành Bình, Tân Phú Tây, Tân Thanh Tây và Thành An được công nhận xã NTM. Các xã còn lại đạt từ 11 - 16 tiêu chí.
Với hệ thống giao thông và địa thế khá thuận lợi, huyện luôn quan tâm mời gọi DN đầu tư sản xuất, kinh doanh và vận động thành lập DN mới theo Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển DN. Việc thu hút đầu tư như luồng gió mới kích thích hoạt động thương mại, dịch vụ và du lịch phát triển. Giá trị sản xuất tăng bình quân 13,72%/năm. Toàn huyện hiện có 189 DN (tăng 81 DN) và 1.052 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp (tăng 102 cơ sở), đã tạo việc làm cho 20.500 lao động. Các làng nghề được duy trì và phát triển (4 làng nghề hoa kiểng, cây giống: Hưng Khánh Trung A, Thạnh Ngãi, Phú Mỹ, Thanh Tân; 1 làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở xã Khánh Thạnh Tân). Mạng lưới sản xuất gia công chế biến tập trung các lĩnh vực thế mạnh như: may mặc, đan ghế nhựa, hàng thủ công mỹ nghệ, chỉ xơ dừa, thạch dừa và các sản phẩm khác sử dụng nguyên liệu từ dừa.
Lãnh đạo huyện tham quan khu sản xuất của Công ty Khánh Ngọc, xã Tân Bình. Ảnh: Thu Duyên
Song song đó, đến nay có một số công ty, DN đang hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả: Công ty TNHH sản xuất thương mại xuất nhập khẩu Âu Việt Furniture, Công ty cổ phần đầu tư Dừa Bến Tre, Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu Huy Thịnh Phát, Công ty TNHH May mặc Ming Đa Việt Nam, Công ty TNHH MTV Phạm Đăng… tại địa phương và Công ty TNHH may mặc Việt Vương 3 tại Cụm công nghiệp Tân Thành Bình, góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động trong huyện, tăng thu nhập cho người dân, đóng góp cho ngân sách của huyện rất đáng kể. Kết quả thu ngân sách trên địa bàn hàng năm tăng bình quân 14,73%.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng vốn đầu tư xã hội đạt gần 6,449 ngàn tỷ đồng, sử dụng cho các công trình trọng điểm. Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng, mở ra các tuyến giao thông thông suốt, tạo cơ hội thu hút đầu tư phát triển công nghiệp - thương mại - dịch vụ. Hệ thống cung cấp điện, nước sạch được mở rộng. Nhiều công trình thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt được tập trung đầu tư, đảm bảo cho sản xuất, sinh hoạt.
Mở ra triển vọng mới
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đã xác định 2 nhiệm vụ đột phá: Tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp, thực hiện tốt các chính sách thu hút đầu tư, đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp. Tập trung huy động các nguồn lực xã hội, xây dựng huyện đạt chuẩn NTM vào năm 2025. Huyện đã cụ thể hóa thành 1 nghị quyết chuyên đề, 3 đề án, 3 kế hoạch. Trong đó, xác định nhiệm vụ thu hút đầu tư và phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng có vai trò quan trọng đối với phát triển của huyện. Đây cũng là nhiệm vụ xuyên suốt cần tập trung thực hiện trong thời gian tới, nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét diện mạo đô thị, nông thôn, góp phần xây dựng thành công huyện NTM, đảm bảo an sinh xã hội và nâng cao đời sống nhân dân.
Nghề đan ghế ở nông thôn. Ảnh: Nguyễn Dừa
Để đạt được mục tiêu đề ra, trước hết, huyện sẽ tập trung xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở thật sự trong sạch, vững mạnh, tinh gọn và hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có tâm huyết, trách nhiệm cao và có khát vọng vươn lên vì sự phát triển chung của huyện. Tập trung làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đủ sức lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị trong thời gian tới.
Trong định hướng phát triển kinh tế, huyện vẫn dựa trên nền tảng nông nghiệp nhưng gắn kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến và tiếp cận thị trường. Đẩy mạnh xây dựng vùng nguyên liệu tập trung và sản xuất sạch. Kết hợp với tổ chức lại dân cư, phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện theo hướng bền vững. Tập trung củng cố, phát triển, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác và xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho một số sản phẩm nông nghiệp của huyện.
Để kết nối giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, huyện tập trung mở rộng đầu tư hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Tân Thành Bình (75ha); quy hoạch, xây dựng mới Cụm công nghiệp Hòa Lộc (50ha), phù hợp với vùng nguyên liệu để phát triển các ngành công nghiệp như: may công nghiệp, chế biến sản phẩm từ dừa, công nghiệp công nghệ cao và hướng đến dược, thực phẩm chức năng, y tế trị liệu, chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp… Huyện sẽ ưu tiên thu hút đầu tư các ngành nghề công nghệ cao, ít ô nhiễm môi trường; thu hút nhiều lao động về chế biến nông sản, thực phẩm và các làng nghề truyền thống tiểu thủ công nghiệp gắn với du lịch (hoa kiểng, cây giống, thủ công mỹ nghệ…). Tranh thủ tối đa các nguồn lực, quản lý sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư để xây dựng, phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông, thủy lợi, nhất là các tuyến đường tỉnh, huyện, đường vào khu trung tâm các xã; hệ thống đê bao, kè, cống ngăn mặn, trữ ngọt để đảm bảo cho sự phát triển ổn định, lâu dài.
Phát huy lợi thế đường giao thông liên tỉnh đi qua địa bàn và tương lai cùng với định hướng Tầm nhìn chiến lược của tỉnh đến năm 2030 và năm 2045. Đặc biệt, chuỗi đô thị kết nối từ TP. Bến Tre về hướng bờ Nam sông Hàm Luông sẽ mở ra cho huyện có thêm điều kiện kết nối và triển vọng mới thu hút đầu tư, nhất là thu hút đầu tư để phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ dọc tuyến quốc lộ 60; phát triển 3 đô thị mới: Tân Thành Bình, Phước Mỹ Trung, Nhuận Phú Tân; mở rộng không gian đô thị khu dân cư cặp tuyến đường vành đai kết hợp hoạt động bến phà Băng Tra (xã Nhuận Phú Tân) - Thanh Bình (Vĩnh Long).
Tin tưởng với những kết quả đã đạt từ việc thu hút đầu tư giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng tầm nhìn thời gian tới của huyện Mỏ Cày Bắc là kết tinh từ sức mạnh tổng hợp, đoàn kết, thống nhất giữa ý Đảng lòng dân và cộng đồng DN. Từ đó, làm nền tảng tiếp tục duy trì, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của nhân dân và xây dựng thành công huyện NTM.
Trong thời gian tới, hình thành tuyến du lịch Tân Thành Bình - Thanh Tân - Thạnh Ngãi - Phú Mỹ; mời gọi đầu tư phát triển khu vực xã Thanh Tân theo hướng đô thị, thương mại, dịch vụ gắn với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng ven sông và kết nối với Làng Văn hóa du lịch huyện Chợ Lách. Khuyến khích đầu tư các loại hình du lịch gắn với nông nghiệp và dựa vào thiên nhiên, văn hóa - lịch sử, nhất là thu hút đầu tư các điểm tham quan, trạm dừng chân, vườn cây hữu cơ và mở rộng kết nối các tour, tuyến… để phát triển đa dạng loại hình du lịch như: tham quan, nghỉ dưỡng, trải nghiệm…; xây dựng một số sản phẩm du lịch đặc trưng, nhằm tạo sự khác biệt và thu hút khách du lịch. |
Nguyễn Văn Trung - Bí thư Huyện ủy Mỏ Cày Bắc