Dự phòng và điều trị các bệnh không lây nhiễm

04/07/2018 - 07:51

BDK - “Hiện nay, để khống chế, dần loại bỏ bệnh không lây nhiễm (BKLN) tại cộng đồng, việc dự phòng các yếu tố nguy cơ và tăng cường trang thiết bị hỗ trợ điều trị tuyến y tế cơ sở là giải pháp cần thiết”, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trương Đình Bắc nhận định trong chuyến kiểm tra hoạt động phòng chống BKLN tại tỉnh vào tháng 6-2018 vừa qua.

Đo huyết áp sẽ giúp việc phát hiện, theo dõi bệnh cao huyết áp.

Đo huyết áp sẽ giúp việc phát hiện, theo dõi bệnh cao huyết áp.

Chưa đáp ứng nhu cầu khám, điều trị bệnh

Trong 3 năm gần đây, ngành y tế tỉnh đã phát hiện, quản lý và điều trị trên 51 ngàn người mắc các BKLN. Phần lớn bệnh nhân điều trị rơi vào bệnh: tăng huyết áp, đái tháo đường, tâm thần phân liệt, động kinh, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và theo dõi chăm sóc bệnh ung thư. Đến nay, kết quả điều trị có gần 70% số bệnh nhân đã đạt huyết áp mục tiêu, chỉ số đường huyết về mức bình thường được kiểm soát đạt trên 60%, hạn chế các biến chứng và tái phát bệnh tâm thần phân liệt, động kinh đạt trên 97%.

Tuy nhiên, thực tế còn rất nhiều trường hợp có nguy cơ vẫn chưa phát hiện tại cộng đồng. Bệnh nhân Lê Văn Mến ở xã Mỹ Chánh, huyện Ba Tri, gần đây đã phát hiện bệnh cao huyết áp trong lần cấp cứu tại Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu do tai nạn lao động. Qua quá trình khai thác bệnh lý và kiểm tra, bác sĩ chẩn đoán ông có tiền sử tăng huyết áp vô căn. Theo ông Mến, sức khỏe ông rất tốt, thỉnh thoảng do lao động quá sức xuất hiện tình trạng nóng mặt và kèm theo đau đầu. Các dấu hiệu mất dần khi ông được nghỉ ngơi.

Trường hợp ông Mến là một trong nhiều bệnh nhân có dấu hiệu nguy cơ BKLN được tình cờ phát hiện trên địa bàn tỉnh. Theo ghi nhận của Phòng Nghiệp vụ Y thuộc Sở Y tế, hầu hết bệnh nhân không nhận thức được tình trạng sức khỏe của bản thân. Bệnh được phát hiện thụ động chủ yếu thông qua khám, điều trị một loại bệnh khác.

Hiện nay, việc quản lý điều trị BKLN còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng tình hình bệnh tật. Trạm Y tế xã Mỹ Hòa (Ba Tri) có gần 600 bệnh nhân được lập danh sách quản lý, theo dõi và điều trị tại trạm. Xong, thực tế trạm chỉ theo dõi cấp phát thuốc điều trị khoảng 50% tổng số bệnh nhân được quản lý.

Trao đổi vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Thị Việt - Trưởng Trạm Y tế xã Mỹ Hòa cho hay, trạm có triển khai các gói dịch vụ cơ bản cho tuyến xã nhưng do việc thông tuyến bảo hiểm y tế (BHYT), người dân thường đi tuyến trên hoặc trạm y tế khu vực để theo dõi. Mặt khác, trang thiết bị hỗ trợ phát hiện và điều trị các BKLN còn hạn chế. Do đó, chưa thu hút bệnh nhân góp phần giảm tải cho tuyến trên.

“Trạm Y tế xã Mỹ Hòa hiện có máy đo huyết áp, máy kiểm tra đường huyết lượng tính. Các thiết bị cho hoạt động thể lực và công tác sàng lọc BKLN, cơ chế, thanh toán BHYT tại tuyến xã còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến việc điều trị của bệnh nhân” - bác sĩ Việt cho hay.

Ngoài ra, quá trình quản lý, phần lớn các trạm chưa lập hồ sơ bệnh án ngoại trú để theo dõi tất cả bệnh lý, cơ chế, chính sách đang vướng mắc trong thanh toán, quyết toán BHYT làm giảm quyền lợi của bệnh nhân. Bác sĩ Lê Văn Tỵ - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mỏ Cày Nam thông tin, 17/17 trạm y tế xã đều thực hiện BHYT và có bác sĩ cố định thực hiện khám, chữa bệnh. Hoạt động phòng chống BKLN được thực hiện dưới hình thức truyền thông, khám tầm soát bệnh cao huyết áp, tiểu đường. Tuy nhiên, nguồn thuốc BHYT chưa đáp ứng nhu cầu bệnh lý, thuốc dùng điều trị bệnh tiểu đường chỉ có 2 loại, trong khi danh mục kỹ thuật của Bộ Y tế có 8 loại.

Qua trao đổi, một số trạm y tế hoạt động phòng chống các BKLN chỉ dừng lại việc truyền thông và quản lý số lượng thông qua kết quả chẩn đoán của tuyến trên.

Giải pháp loại bỏ BKLN

Theo Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trương Đình Bắc, thói quen sử dụng nhiều bia, rượu, chế độ dinh dưỡng không hợp lý, ít vận động thể lực của người dân là nguy cơ gây ra các BKLN. “Hiện nay, giải pháp cốt lõi để khống chế tốc độ gia tăng người mắc bệnh tại cộng đồng, hạn chế tàn tật và tử vong sớm do mắc các BKLN là dự phòng. Đây cũng là biện pháp rẻ tiền để tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới” - Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trương Đình Bắc lưu ý.

Theo Phó cục trưởng, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh làm đầu mối tham mưu xây dựng kế hoạch dài hạn và phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể phòng chống các yếu tố nguy cơ; giám sát tất cả các hoạt động phòng chống BKLN; giao nhiệm vụ cho các đơn vị liên quan. Để quản lý điều trị tốt, cán bộ y tế phải chuẩn, nguồn lực thuốc men, tiền khám đảm bảo. Do đó, ngành y tế và chính quyền địa phương bảo đảm cơ chế tài chính và chi trả BHYT cho các dịch vụ BKLN tuyến xã. Đây là mấu chốt thành công của hoạt động.

“Thời gian tới, Sở Y tế sẽ quan tâm cơ chế tài chính cho y tế tuyến xã trong hoạt động phòng chống BKLN; tăng cường hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật cho các hoạt động liên ngành có liên quan trong phòng chống BKLN tại cộng đồng. Cụ thể, sẽ tăng cường phát hiện và điều trị, quản lý tại trạm y tế và cộng đồng cho bệnh nhân mắc các BKLN thông qua các hoạt động tầm soát. Đồng thời triển khai tổ chức phân công giao việc cụ thể cho từng thành viên để thực hiện đạt hiệu quả công tác phòng chống BKLN”, Phó giám đốc Sở Y tế Võ Hồng Khanh cho biết.

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN