Đoàn viên, thanh niên về nguồn tại Bến Nhà Rồng, nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Ảnh: CTV
Cán bộ, đảng viên đi đầu
Theo định hướng của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, để thực hiện tốt Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cũng như chuyên đề năm 2022, mỗi CB, ĐV cần đưa việc học tập và làm theo Bác trở thành lối sống, nếp nghĩ, cách làm của mình từng ngày.
Mỗi CB, ĐV, nhất là người đứng đầu phải phát huy tốt vai trò, trách nhiệm nêu gương trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực tự cường dân tộc, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh. Thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương và thành thực nêu gương từ trong suy nghĩ đến hành động, đảm bảo toàn diện đối với bản thân mình, đối với người và đối với công việc.
CB, ĐV ở từng vị trí công tác phải nắm chắc chủ trương, nghị quyết, hiểu rõ nhiệm vụ của mình để nêu gương, năng động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện. Đối với nhiệm vụ chuyên môn thì làm việc với tinh thần thi đua “Đồng khởi mới”. Đồng thời, phải tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân “Đồng thuận - Sáng tạo” trong tổ chức thực hiện.
Nâng cao kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ đòi hỏi ngày càng cao để hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng, tự giác nêu gương cần, kiệm, liêm, chính, lao động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Mỗi CB, ĐV trong toàn Đảng bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp phải là những tấm gương sáng thì Đảng bộ sẽ thực sự trong sạch, vững mạnh, gắn bó máu thịt với nhân dân. Qua đó sẽ khơi dậy khát vọng vươn lên của nhân dân cùng đồng lòng góp công, góp sức vào công cuộc xây dựng phát triển tỉnh giàu mạnh sánh vai với các tỉnh trong khu vực và cả nước.
Mỗi người dân đều học Bác
Theo PSG.TS Trần Thị Minh Tuyết trong tuyển tập Tấm gương Bác - Ngọc quý của mọi nhà, phần sách “Lòng nhân ái và đức khoan dung” nhấn mạnh: “… việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh trở thành yêu cầu cấp thiết với từng con người và cả xã hội vì đó là một phương thức, một cơ hội chấn hưng đạo đức, một hình thức tự bảo vệ, tự làm sạch đạo đức cá nhân hiệu quả. Trong phong trào đó, đội ngũ cán bộ lãnh đạo là đối tượng phải đi đầu bởi muốn hướng dẫn nhân dân thì mình phải là mực thước cho người ta bắt chước…”.
Chia sẻ về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, Đại đức Thích Trí Thuận - Phó ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh bày tỏ: “Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh luôn quán triệt, tuyên truyền, vận động tăng ni, phật tử học tập và làm theo gương Bác. Giữa giáo lý nhà Phật và tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh có những điểm tương đồng. Chùa lúc nào cũng phải sống “cần kiệm”, mà tinh thần “cần kiệm” trong tư tưởng của Bác luôn là bài học được nhắc nhở liên tục trong mọi tầng lớp nhân dân… Việc tuyên truyền cho phật tử thực hiện những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cùng học tập, làm theo Bác với nhà chùa là việc làm cần thiết, nên làm, để cùng tạo sự lan tỏa”.
Theo Đại đức Thích Trí Thuận, Phật giáo tỉnh thực hiện theo hiến chương đạo pháp dân tộc chủ nghĩa xã hội, tất cả tu sĩ tham gia với Phật giáo đều lấy tấm gương của Bác để làm “kim chỉ nam” trong suy nghĩ và hành động. Thấm nhuần tư tưởng của Bác mong muốn người dân an lạc, ấm no, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh hưởng ứng tích cực các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể phát động như: tham gia vận động và ủng hộ Quỹ vì người nghèo, phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng, công tác an sinh xã hội và nhân đạo từ thiện, xây dựng nông thôn mới. Hàng năm, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, trong đó có phân ban nhỏ từ huyện, xã vận động hỗ trợ cho chương trình xây dựng nông thôn mới trong tỉnh trên 10 tỷ đồng.
Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được lan tỏa sâu rộng trong quần chúng nhân dân. Từ các em nhỏ, học sinh, đến đoàn viên, thanh niên, công nhân lao động, mỗi người chọn cho mình một điều hay từ tấm gương Bác để học theo, làm theo, sửa đổi những gì chưa tốt; học theo Bác một cách đơn thuần, chân thật nhất qua từng mẩu chuyện nhỏ về Người.
Có thể “học ở Bác cái tình với dân, với nước, cái trí của sự học hỏi không ngừng, cái tâm nhân ái khoan dung, cái linh hoạt khi ứng xử với công việc, cái khéo léo khi ứng xử với người… Còn phải học Bác phẩm chất “nói ít, làm nhiều”, chú trọng việc lập thân hơn việc lập ngôn để việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người đi vào thực chất”, PGS.TS Trần Thị Minh Tuyết viết.
Từ tác phẩm “Vĩ đại một con người”, Giáo sư Trần Văn Giàu đã viết: “Người ta không thể trở thành một cụ Hồ Chí Minh nhưng ở cụ Hồ Chí Minh mỗi người có thể học được một số điều làm cho mình trở nên tốt hơn”. Đối với mỗi người, dù ở góc độ nào, với vai trò, nhiệm vụ nào, tấm gương tư tưởng, đạo đức và phong cách của Bác cũng sẽ luôn là một hình mẫu sống động và chân thực để học tập và làm theo, là cơ hội, động lực và cũng là phương pháp để hoàn thiện bản thân. |
A. Nguyệt - Ph. Hân - Th. Đồng