Ông Nguyễn Văn Nhẫn có nhu cầu tư vấn: Con trai tôi là H (38 tuổi) tranh chấp ranh đất với ông A (45 tuổi). Hai bên cự cãi và xảy ra xô xát. Ông A dùng cọc hàng rào bằng tre đánh con tôi. H cũng nhổ cọc tre đánh trúng đầu ông A chảy máu (tỷ lệ thương tật 8%). H đã bồi thường tiền điều trị thuốc cho ông A nhưng ông đòi phải xử lý hình sự đối với con trai tôi. Xin hỏi: Gây thương tích với tỷ lệ bao nhiêu thì bị xử lý hình sự?
Thắc mắc của ông được luật sư Nguyễn Văn Tặng (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:
- Theo quy định pháp luật, hành vi cố ý gây thương tích (CYGTT) tùy theo mức độ, tính chất cũng như hậu quả sẽ phải chịu trách nhiệm dân sự hoặc hình sự hoặc xử phạt hành chính thỏa đáng.
Theo điều 134, Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2017 quy định về tội CYGTT hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác như sau:
1. Người nào CYGTT hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11 - 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:
a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;
b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;
c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
i) Có tính chất côn đồ;
…
Theo quy định trên về cơ bản, thì hành vi CYGTT sẽ bị khởi tố hình sự theo khoản 1 Điều 134 nếu mức độ thương tích từ 11 - 30%.
Trường hợp này, ông A bị thương tật với tỷ lệ 8% (dưới 11%). Tuy nhiên, khi thực hiện hành vi gây thương tích mà có một trong các điều kiện được quy định từ điểm a đến điểm k, khoản 1, Điều 134 thì dù mức độ thương tích dưới 11% vẫn có thể bị khởi tố hình sự.
Mặt khác, theo hướng dẫn tại các tiểu mục 2.1 và 2.2 mục 2 Phần I của Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17-4-2003 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì hung khí nguy hiểm là: Vũ khí hoặc phương tiện nguy hiểm có khả năng gây ra thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Phương tiện nguy hiểm là công cụ, dụng cụ được chế tạo ra nhằm phục vụ cho cuộc sống của con người (trong sản xuất, trong sinh hoạt) hoặc vật mà người phạm tội chế tạo ra nhằm làm phương tiện thực hiện tội phạm hoặc vật có sẵn trong tự nhiên mà người phạm tội có được và nếu sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khỏe của người bị tấn công.
Luật hiện hành chưa liệt kê danh mục hung khí nguy hiểm, mà chỉ định nghĩa về hung khí nguy hiểm.
Do vậy, đối với trường hợp này thì tùy thuộc vào cơ quan điều tra kết luận cọc tre mà H sử dụng gây thương tích cho ông A có phải là “hung khí nguy hiểm” theo điểm a, khoản 1, Điều 134 BLHS; hoặc hành vi của H có phải là “có tính chất côn đồ” theo điểm 1, khoản 1, Điều 134 hay không mà kết luận H có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không?
Nếu chưa đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự, thì H sẽ bị xử lý hành chính với mức phạt từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng (quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự an toàn xã hội).
H.Trâm (thực hiện)