
Nhiều trường mầm non vẫn chưa tuyển được giáo viên.
Thiếu nguồn giáo sinh ứng tuyển
Năm học 2018-2019, ngành GD&ĐT có nhu cầu tuyển mới 368 giáo viên mầm non. Sau khi được giao chỉ tiêu biên chế, các trường đã thông báo tuyển dụng nhưng đến nay vẫn thiếu.
Giồng Trôm được giao 47 biên chế giáo viên mầm non. Phòng GD&ĐT huyện đã lập kế hoạch tuyển dụng tham mưu UBND huyện phân bổ về các trường. Đồng thời, phòng chỉ đạo cho các đơn vị khẩn trương tìm các nguồn giáo sinh tốt nghiệp để hợp đồng ngay. Đến nay, huyện vẫn khan hiếm hồ sơ tuyển dụng. Có trường chỉ nhận 1 - 2 hồ sơ, thậm chí có nơi không có hồ sơ nào.
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Giồng Trôm Trần Thị Ngọc Trinh cho biết: “Năm nay, Phòng GD&ĐT huyện rất phấn khởi với số biên chế được giao nhưng rất lo do không có nguồn tuyển dụng. Trước mắt, số giáo sinh ứng tuyển sẽ ưu tiên cho các trường có tổ chức bán trú. Rồi từng bước, huyện sắp xếp lại lực lượng để cơ bản đáp ứng được tình trạng nhóm trẻ và lớp mầm non trên địa bàn huyện”.
Huyện Chợ Lách nhận được 10 hồ sơ ứng tuyển so với nhu cầu tuyển mới 20 biên chế; trong đó, có 4 biên chế nghỉ hưu. Để đáp ứng nhu cầu giáo viên, huyện xác định ưu tiên tuyển đối với các đơn vị có tổ chức bán trú trước, khi đủ nguồn tuyển sẽ phân bổ cho các đơn vị còn lại.
Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Châu Thành Hà Thanh Tâm cho biết, nếu tuyển 52 giáo viên như biên chế được phân bổ, huyện sẽ đảm bảo 2 giáo viên/lớp. Phòng cũng đã làm việc với Phòng Nội vụ huyện để giao biên chế cho các đơn vị trường theo quy định. Thế nhưng, số sinh viên của huyện đang tham gia đào tạo ngành Sư phạm mầm non tại Trường Cao đẳng Bến Tre rất ít, có 4 em theo học. Huyện gặp khó trong công tác tuyển dụng.
Thực tế hiện nay, do không quy định về hộ khẩu khi tuyển dụng giáo viên mầm non nên TP. Hồ Chí Minh là địa bàn được các bạn sinh viên ưu tiên chọn lựa khi ra trường. Bạn Huỳnh Thị Nhả Trân, ở Sơn Phú, huyện Giồng Trôm, đang là sinh viên năm cuối ngành Sư phạm mầm non Trường Cao đẳng Bến Tre chia sẻ: “Dự tính ra trường, em cùng bạn mở nhóm trẻ gia đình hoặc xin vào trường mầm non trên TP. Hồ Chí Minh”.
“Các chế độ đãi ngộ của trường trên thành phố cao hơn nhiều so với các trường công lập trong tỉnh. Nếu làm ngoài giờ và quá số trẻ theo quy định, giáo viên được hỗ trợ thù lao hấp dẫn hơn. Do đó, sinh viên tụi em đều có dự định tìm việc làm tại các nhóm trẻ, trường mầm non ở TP. Hồ Chí Minh” - Nhả Trân chia sẻ.
Giải “bài toán” khó
Theo chia sẻ của một giáo viên lâu năm tại Trường Mầm non Hoa Dừa (TP. Bến Tre), công việc phải đi sớm về trễ, thời gian chăm sóc gia đình không nhiều. Đây là những trở ngại mà giáo viên mầm non cần phải vượt qua mới gắn bó được với nghề. Tuy nhiên, không phải ai cũng vì khó khăn trở ngại đó mà bỏ nghề. Nhiều cô giáo tâm huyết vẫn bám trụ với nghề và hết lòng vì trẻ, thậm chí có trường hợp giáo viên chấp nhận hy sinh gia đình vì nghề.
Sự thật không ai phủ nhận vất vả và áp lực của giáo viên mầm non nhưng liệu rằng cơ chế chính sách đãi ngộ hiện nay đã thật sự thỏa đáng, đủ khuyến khích, đủ thu hút cũng như tạo sự yên tâm cho giáo viên công tác.
Trao đổi vấn đề này, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Lê Văn Chín cho biết, phải thừa nhận giáo viên mầm non vừa dạy vừa chăm trẻ rất vất vả. Hiện nay, có sự chênh lệch chế độ giữa các trường công và trường tư, trường tỉnh và trường thành phố nên nhiều bạn trẻ có sự do dự khi vào nghề và lựa chọn khi ra trường.
Phó giám đốc Sở GD&ĐT Lê Văn Chín cho hay, năm nay, do Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu thực hiện chính sách tự chủ tài chính nên số lượng biên chế của bệnh viện được tỉnh chuyển toàn bộ cho ngành giáo dục. Do biên chế được giao đột ngột, ngoài kế hoạch nên chưa có công tác dự báo, đào tạo kịp thời. Mặt khác, tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn thường xuyên diễn ra nhưng với chủ trương tinh giản biên chế dù thiếu giáo viên nhưng cấp mầm non không có chỉ tiêu tuyển dụng. Từ đó, dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên nhiều năm vẫn chưa khắc phục.
Thực tế, biên chế được cân đối, trong năm học 2018-2019, ngành có nhu cầu tuyển mới 368 giáo viên mầm non nhưng theo quy định Thông tư liên tịch số 06 của Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, tối đa 2,5 giáo viên/nhóm trẻ; bố trí tối đa 2,2 giáo viên/lớp đối với lớp mẫu giáo học 2 buổi/ngày; tối đa 1,2 giáo viên/lớp đối với lớp mẫu giáo học 1 buổi/ngày. Toàn tỉnh hiện đang thiếu 465 giáo viên.
“Để đảm bảo đủ giáo viên và tuyển giáo viên, ngành GD&ĐT sẽ tiếp tục hợp đồng giáo viên, luân chuyển, điều động giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu để cố gắng sắp xếp đảm bảo đáp ứng nhu cầu giảng dạy. Giải pháp căn cơ, sở sẽ phối hợp với Trường Cao đẳng Bến Tre tính công tác quy hoạch, dự báo nguồn lực để có hướng đào tạo kịp thời đáp ứng nhu cầu giáo viên” - ông Lê Văn Chín nói.
Bài, ảnh: Phan Hân