Giai đoạn 2014 - 2024, Bến Tre phát huy hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội 

15/07/2024 - 20:23

BDK.VN - Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (viết tắt là Chỉ thị số 40-CT/TW) và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10-6-2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW (viết tắt là Kết luận số 06-KL/TW), hoạt động tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH) trên địa bàn tỉnh Bến Tre trong 10 năm qua đã phát huy hiệu quả tích cực.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân vốn tín dụng chính sách xã hội cho người dân tại huyện Mỏ Cày Bắc.

Giai đoạn 2014 - 2024, TDCSXH đã cho vay 352.883 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với số tiền trên 9.697 tỷ đồng, giúp 45.497 lượt hộ nghèo và hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững… Để đạt được kết quả đó, các cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã xác định việc lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động TDCSXH là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong chương trình, kế hoạch hoạt động, đặc biệt là nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền nhất là người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả nguồn vốn TDCSXH gắn với thực hiện các chương trình mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến 2030.

Bà Trần Lam Thùy Dương - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho biết, thời gian qua, hoạt động TDCSXH được tập trung hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu vay vốn theo quy định để phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện cuộc sống, thoát nghèo nhanh và bền vững. Đến cuối tháng 6-2024, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh đã thực hiện 14 chương trình tín dụng ưu đãi, dư nợ đạt trên 4.356 tỷ đồng, tăng hơn 2.898 tỷ đồng (198,74%) so với trước khi có Chỉ thị, với 118.692 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ.

Đến nay, nguồn vốn TDCSXH đã lan tỏa 100% ấp, khu phố, xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Phối hợp với chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội thành lập 2.889 tổ tiết kiệm và vay vốn xây dựng 153 điểm giao dịch tại cấp xã. Nhờ đó đã đưa các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng như: Cho vay, thu nợ, thu lãi, huy động vốn, tiết kiệm, chi trả an sinh xã hội, App VBSP SmartBanking… về tại cấp xã để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận. Kết quả trên cũng đã góp phần hạn chế tín dụng đen, thực hiện công tác chuyển đổi số và thanh toán không dùng tiền mặt.

Trong 10 năm qua, hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã giúp 45.497 lượt hộ nghèo và hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Bến Tre thoát nghèo bền vững.

Giai đoạn 2014 - 2024, hoạt động TDCSXH đã tạo việc làm mới cho 55.611 lượt lao động, trong đó có 1.830 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; giúp 11.132 học sinh, sinh viên vay vốn học tập; hỗ trợ hộ nghèo xây dựng 958 căn nhà; hỗ trợ xây mới và cải tạo 135 nhà ở xã hội; xây dựng 294.332 công trình nước sạch và công trình nhà vệ sinh nông thôn; cho vay 20.374 hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn. Bên cạnh đó, TDCSXH còn cho vay hàng trăm thương nhân vùng khó khăn; cho vay  người sử dụng lao động để trả lương cho hàng ngàn người lao động; cho vay hàng trăm học sinh, sinh viên mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến…

 Bà Trần Lam Thùy Dương - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đánh giá, từ thực tiễn thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận 06-KL/TW cho thấy nơi nào có cấp ủy, chính quyền quan tâm thực hiện nghiêm túc thì kết quả thực hiện tốt, hiệu quả, chất lượng cao. Các cấp ủy, chính quyền, các sở, ban hành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cần nhận thức địa phương càng khó khăn thì cần phải chăm lo cho người nghèo và các đối tượng yếu thế thông qua hỗ trợ TDCSXH.

Kinh nghiệm trong 10 năm qua cũng khẳng định cần ưu tiên cân đối, bố trí ủy thác qua NHCSXH để cho vay, hạn chế ban hành chính sách và nguồn ngân sách hỗ trợ không hoàn lại để phát huy hiệu quả sử dụng ngân sách. Đồng thời, nâng cao hiệu quả phương thức hoạt động ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức tốt hoạt động giao dịch xã, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người vay trong sử dụng vốn vay đúng phương án xin vay... 

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN