Giải pháp phát triển ngành tôm năm 2021 và Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045

16/07/2021 - 17:18

BDK.VN - Ngày 16-7-2021, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị trực tuyến “Giải pháp phát triển ngành tôm năm 2021 và triển khai Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11-3-2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045”. Tại điểm cầu tỉnh Bến Tre Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh tham dự.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bến Tre.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bến Tre.

Thời gian qua, việc triển khai sản xuất tôm nước lợ gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 và xâm nhập mặn tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh những bất lợi, ngành tôm cũng có nhiều thuận lợi: thời tiết, thị trường tiêu thụ, xuất khẩu tương đối ổn định, dịch bệnh đối với tôm nuôi được khống chế. Nhờ vậy ngành tôm tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng. Năm 2020, tổng sản lượng tôm nuôi nước lợ đạt 900 ngàn tấn, trong đó tôm sú đạt 267,7 ngàn tấn, tôm thẻ chân trắng 632,3 ngàn tấn.

Tại Bến Tre, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản thả giống đến hết quý II-2021 đạt 39.582ha. Tổng sản lượng nuôi thủy sản đã thu hoạch ước đạt 135.658 tấn; tôm nước lợ 35 ngàn tấn, có 1.950 ha nuôi tôm nước lợ theo hình thức công nghệ cao. Tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch phát triển 4.000ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao.

Hội nghị triển khai Quyết định 339/QĐ-TTg ngày 11-3-2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 với 5 định hướng phát triển theo lĩnh vực và 11 chương trình, đề án ưu tiên.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: trong thời gian tới, Cục Quản lý chất lượng nuôi trồng thủy sản quản lý tốt công tác nuôi trồng thủy sản, đảm bảo quy chuẩn và có khuyến cáo cho người sản xuất. Tăng cường kiểm soát dịch bệnh trên tôm, hạn chế thiệt hại cho người nuôi, phát triển vùng nuôi an toàn. Đẩy mạnh liên kết sản xuất, giữ vững thị trường đầu ra. Tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế.

Các địa phương bám sát quan điểm trong chiến lược, xây dựng kế hoạch thực hiện cho tỉnh mình gắn với kế hoạch phát triển kinh tế -  xã hội của tỉnh. Tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi tôm tập trung để kịp thời đưa ra khuyến cáo, cảnh báo nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi. Tích cực phối hợp xử lý, tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, phát triển thị trường tiêu thụ cho sản phẩm tôm Việt Nam.

Tin, ảnh: Phương Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN