Giám sát việc thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư xây dựng phát triển vùng nguyên liệu dừa 

27/08/2024 - 11:10

BDK.VN - Ngày 27-8-2024, đoàn giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh do Trưởng ban Nguyễn Văn Quới làm trưởng đoàn có chuyến giám sát việc thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư xây dựng phát triển vùng nguyên liệu dừa sạch và hợp tác liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dừa tỉnh Bến Tre. Cùng tham gia chuyến giám sát có Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức, Phó chủ tịch UBND huyện Giồng Trôm Đinh Thị Thanh Nhanh.

 Trưởng đoàn giám sát Nguyễn Văn Quới khảo sát vùng nguyên liệu dừa tại xã Hưng Lễ, huyện Giồng Trôm.

Theo UBND huyện Giồng Trôm, dừa là loại cây trồng chủ lực của huyện. Cây dừa vừa mang lại thu nhập ổn định cho người dân, vừa là loại cây trồng có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với thổ nhưỡng và điều kiện sản xuất của địa phương. Do đó, thời gian qua có nhiều nông dân đã chuyển đổi từ diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng dừa. Diện tích trồng dừa tính đến cuối năm 2024 ước 20.610ha, diện tích dừa giai đoạn cho trái là 20.000ha, sản lượng ước đạt 241,3 triệu trái. Năng suất ước 1.005 trái/ha/tháng. Diện tích tăng 2.830ha so với năm 2020.

Thực hiện chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho phát triển vùng nguyên liệu dừa sản xuất hàng hóa tập trung, đến nay tổng diện tích dừa liên kết là 6.785ha/16.104ha dừa công nghiệp, trong đó, diện tích đạt chứng nhận hữu cơ là 6.084,6ha, đạt 37,7% diện tích dừa công nghiệp của huyện. Có 7 doanh nghiệp thực hiện liên kết chứng nhận và thu mua. Tất cả diện tích trên được liên kết thông qua hợp đồng liên kết trực tiếp giữa doanh nghiệp và người dân hoặc thông qua đại lý.

Nhìn chung qua thực hiện phát triển vùng sản xuất dừa hàng hóa tập trung đã từng bước hình thành liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi: Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà nông, nhà khoa học, ngân hàng... Bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, nhất là hiệu quả kinh tế mang lại từ liên kết theo chuỗi giá trị (giá thu mua dừa sản xuất theo quy trình hữu cơ được chứng nhận cao hơn giá trị trường từ 5 - 10% tùy theo chính sách thu mua của từng công ty).

Việc ứng dụng các tiến độ khoa học kỹ thuật được đẩy mạnh, nhất là sản xuất theo quy trình hữu cơ nên năng suất dừa trên địa bàn huyện tăng theo từng năm. Bên cạnh đó, việc phát triển các mô hình liên kết chuỗi tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sơ chế, chế biến mở rộng sản xuất kinh doanh, từ đó giải quyết việc làm cho người dân nông thôn, góp phần ổn định thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bà con nông dân.

Trưởng đoàn giám sát Nguyễn Văn Quới làm việc với huyện Giồng Trôm về việc thực hiện các chính sách ưu đãi đầu tư xây dựng phát triển vùng nguyên liệu dừa.

Tại buổi giám sát, UBND huyện Giồng Trôm kiến nghị, các ngành có liên quan cấp tỉnh hỗ trợ mời gọi công ty, doanh nghiệp đầu tư liên kết xây dựng phát triển vùng nguyên liệu dừa sạch và hợp tác liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dừa tại địa phương. Đồng thời, quan tâm, củng cố hoạt động liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực đối với sản phẩm dừa tại địa phương. Tạo điều kiện cho các hợp tác xã (HTX) tiếp cận các nguồn vốn vay từ các nguồn Qũy hỗ trợ phát triển HTX; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, nhất là cán bộ quản lý HTX. Tiếp tục thực hiện Chương trình hỗ trợ lãi suất cho các HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp tham gia trong chuỗi liên kết dừa để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Các ngành tỉnh quan tâm bố trí nguồn vốn nhằm hỗ trợ địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Đồng thời, quan tâm hỗ trợ địa phương các điều kiện về kinh phí, nguồn ong ký sinh để địa phương kịp thời kiểm soát tốt tình hình sâu đầu đen hại dừa.

Đoàn đã khảo sát thực tế vùng nguyên liệu dừa hữu cơ tại xã Hưng Lễ, huyện Giồng Trôm và làm việc với UBND huyện Giồng Trôm. Tại xã Hưng Lễ, ông Nguyễn Văn Quới lưu ý việc huy động vốn cổ phần, huy động ngân hàng thương mại. HTX rà soát, củng cố lại phương án sản xuất kinh doanh. Đoàn sẽ tiếp tục khảo sát thực tế vùng nguyên liệu dừa hữu cơ tại xã Hương Mỹ, huyện Mỏ Cày Nam và UBND huyện Mỏ Cày Nam vào ngày 28-8-2024.

Tin, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN