![Giáo dục kỹ năng sống góp phần phát triển toàn diện người học Học sinh Trường THCS Vĩnh Bình (Chợ Lách) tham gia trò chơi trong giờ sinh hoạt chuyên đề giáo dục kỹ năng sống.](https://baodongkhoi.vn/image/fckeditor/upload/2024/20240105/images/ky-nang-song.jpg)
Học sinh Trường THCS Vĩnh Bình (Chợ Lách) tham gia trò chơi trong giờ sinh hoạt chuyên đề giáo dục kỹ năng sống.
Định hướng hành vi
Triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, ngành GD&ĐT chú trọng hoạt động giáo dục KNS trong nhà trường, nhằm góp phần thực hiện mục tiêu GD&ĐT phát triển toàn diện người học. Năm học 2023-2024, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trường lồng ghép giáo dục KNS vào nội dung bài giảng chính khóa ở nhiều môn học. Thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa để tuyên truyền, giáo dục pháp luật, đạo đức, lối sống, hành vi...
Nhận thức được ý nghĩa của giáo dục KNS đối với các em học sinh, các cơ sở giáo dục đã tổ chức hoạt động ngoại khóa, tham quan, trải nghiệm… lồng ghép trong các tiết sinh hoạt cờ. Các KNS được thực hiện tích hợp qua các hoạt động giáo dục trong các giờ học như: kỹ năng thoát hiểm khi gặp đám cháy, kỹ năng phòng chống đuối nước, kỹ năng xử lý khi gặp người lạ… Các chủ đề tuyên truyền, giáo dục được xây dựng như: câu chuyện truyền cảm hứng về truyền thống quê hương, đất nước hay tổ chức các trò chơi dân gian.
Tham gia giờ sinh hoạt chuyên đề giáo dục KNS với chủ đề “Phòng tránh bạo lực học đường - ứng xử văn minh khi xảy ra mâu thuẫn” hồi tháng 12-2023, các em học sinh Trường THCS Vĩnh Bình (Chợ Lách) rất phấn khởi. Thông qua hoạt động trò chơi, giáo viên đã thu hút sự quan tâm của các em học sinh. Dưới sự dẫn dắt của giáo viên, các em phát biểu ý kiến sôi nổi, ứng phó trả lời nhanh câu hỏi về dấu hiệu nhận biết các tình huống của vấn nạn bạo lực học đường. Qua đó, các em hiểu được sự việc, hiện tượng liên quan khi xảy ra mâu thuẫn, gây ra bạo lực trong trường học.
Em Huỳnh Thị Thúy Hoa, học sinh lớp 73, Trường THCS Vĩnh Bình cho hay: “Qua tiết sinh hoạt chuyên đề KNS, em học được rất nhiều điều bổ ích; trang bị cho em những kiến thức để phòng tránh bạo lực học đường, hình thành cho em những hành vi, thói quen lành mạnh”. Cùng tham gia, em Nguyễn Phạm Uyên Như, học sinh Trường THCS Vĩnh Bình chia sẻ: “Qua chia sẻ của thầy giúp em có kỹ năng tự chăm sóc, bảo vệ bản thân khỏi bạo lực. Những câu chuyện gợi mở là bài học thiết thực bổ ích giúp cho em và tất cả các bạn học sinh tích lũy được nhiều kinh nghiệm để giải quyết các tình huống bạo lực, khó khăn trong cuộc sống”.
Tham gia sinh hoạt chuyên đề KNS với chủ đề cùng tên tại Trường THCS Thị trấn Mỏ Cày (Mỏ Cày Nam), em Phạm Phương Linh đã biết được hậu quả nghiêm trọng của việc bạo lực học đường. Em cũng đã nhận diện được nguy cơ và bạo lực học đường, để từ đó phòng ngừa và tránh xa bạo lực học đường.
Hiệu trưởng Trường THCS Thị trấn Mỏ Cày Quảng Trọng Út cho biết: Nhà trường quan tâm giáo dục về kỹ năng cho học sinh. Qua đó, giúp các em biết cách tự bảo vệ bản thân, giải quyết các vấn đề trong ứng xử, phòng ngừa bạo lực trong trường học.
Hoàn thiện bản thân
Các chuyên gia giáo dục KNS thuộc Công ty cổ phần Nghiên cứu Đào tạo và Phát triển kỹ năng sống - Steam Quốc Tế Việt (QTV) cho rằng: Mục tiêu môn học KNS là trang bị các kiến thức cơ bản về kỹ năng cần thiết trong cuộc sống. Qua những câu chuyện, trò chơi có giá trị định hướng giáo dục, tiết sinh hoạt chuyên đề giáo dục KNS giúp các em tiếp cận phương pháp học mới để hình thành kiến thức.
Hiện nay, do môi trường của các em học sinh có sự khác biệt về hoàn cảnh gia đình, có em tự tin, có em nhút nhát, có em lại quá hiếu động, thích bạo lực, hay bắt nạt các bạn khác trong lớp… Do đó, việc bồi dưỡng cho học sinh những KNS từ nhà trường là cần thiết để các em tiếp nhận những thói quen tốt. Theo thầy Huỳnh Minh Phụng - Chuyên viên QTV, KNS rất cần thiết cho học sinh, giúp các em trang bị các kiến thức cơ bản, tiếp cận nhiều kiến thức bổ ích từ chuyên đề KNS, để mỗi ngày các em đến trường là một niềm vui và học tập ngày càng tốt hơn, trở thành chủ nhân tương lai của đất nước. Giáo dục KNS là một quá trình dài giúp cho các em hoàn thiện bản thân, để sau này trở thành người có ích cho gia đình, xã hội.
Với ý nghĩa của việc giáo dục KNS, nhiều phụ huynh cũng đồng tình giáo dục KNS cho con em mình, chị Trần Thị Kim Thoa (TP. Bến Tre) bày tỏ: Việc giáo dục KNS cho học sinh là cần thiết. Nhưng để tăng hiệu quả và nâng cao chất lượng giáo dục KNS phải đảm bảo cả lý thuyết và thực hành để các em cảm thấy hứng thú và áp dụng được vào thực tế. Đặc biệt, phải thống nhất nội dung cũng như có sự kiểm duyệt của ngành chức năng.
“Giáo dục KNS nhằm trang bị cho học sinh kiến thức, thái độ và kỹ năng phối hợp. Từ đó, hình thành cho các em những hành vi, thói quen lành mạnh, tích cực. Qua đó, loại bỏ những hành vi tiêu cực trong cuộc sống, tạo cơ hội cho các em có khả năng xử lý một số vấn đề xảy ra trong sinh hoạt hàng ngày. Trong học kỳ tới và những năm tiếp theo, nhà trường trao đổi với phụ huynh học sinh và tham mưu với Phòng GD&ĐT huyện tổ chức nhiều chuyên đề có sự tham gia của quý thầy cô có KNS về diễn giải, nhằm giúp cho các em hiểu và có cách ứng phó với những tình huống xảy ra hàng ngày”, Phó hiệu trưởng Trường THCS Vĩnh Bình Lê Văn Út Em cho hay.
“Sở GD&ĐT đã có quyết định cấp phép hoạt động giáo dục KNS và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa cho QTV. Thời gian qua, các trường đã phối hợp với QTV tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề KNS hay và ý nghĩa. Nội dung chuyên đề xoay quanh kỹ năng phòng tránh bạo lực học đường, phòng vệ trước các hiểm họa xã hội, phòng tránh bắt cóc, xâm hại trẻ em; phát huy các giá trị thiêng liêng “công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy”... Hoạt động này đã tác động lớn đến giáo dục đạo đức cũng như giáo dục truyền thống cho học sinh. Từ đó, giúp các em tự tin, mạnh dạn hơn trong giao tiếp, hòa nhập môi trường tập thể, nêu cao ý thức phấn đấu rèn luyện tính tự lập.
(Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Võ Văn Luyến)
|
Bài, ảnh: Phan Hân