Giồng Trôm đẩy mạnh công tác biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử đảng

13/09/2024 - 05:30

BDK - Lịch sử địa phương là một bộ phận quan trọng của lịch sử dân tộc. Những giá trị lịch sử giúp chúng ta có lòng tin vững chắc vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo và linh hoạt của Đảng trong giai đoạn hiện nay và mai sau. Đây là nhân tố quan trọng góp phần nâng cao tinh thần yêu nước, sự biết ơn đối với các bậc tiền nhân, vun đắp những truyền thống tốt đẹp của cha ông, là cội nguồn, là sức mạnh nội sinh để phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Lê Thanh Vân (thứ ba, phải sang) dự lễ công bố quyển “Lịch sử Đảng bộ xã Phước Long, giai đoạn 1930 - 2023” tái bản lần thứ nhất.

Sưu tầm, biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương

Nhận thức rõ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác lịch sử Đảng, trong những năm qua, công tác sưu tầm, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống các địa phương, đơn vị trên địa bàn huyện Giồng Trôm luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và đạt được những kết quả quan trọng.

Thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 18-1-2018 của Ban Bí thư (khóa XI) “Về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng”, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai bằng nhiều văn bản cụ thể. Để hỗ trợ, khuyến khích các đơn vị, địa phương trong công tác biên soạn, tái bản lịch sử; ngân sách huyện hỗ trợ các cơ quan ban, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội huyện 7,5 triệu đồng biên soạn kỷ yếu và 15 triệu đồng biên soạn lịch sử. Đối với các xã, thị trấn tái bản lịch sử đảng bộ sẽ được ngân sách tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng theo quy định và được chi từ ngân sách địa phương 15 triệu đồng.

Kết quả thực hiện từ năm 2018 đến nay, các cơ quan, đơn vị cấp huyện đã xuất bản được 23 công trình lịch sử, kỷ yếu; cấp xã, 22/22 xã, thị trấn đã xuất bản Lịch sử đấu tranh cách mạng của địa phương. Hiện tại, huyện đang tiến hành biên soạn và chỉnh lý, bổ sung, tái bản Lịch sử Đảng bộ huyện Giồng Trôm đến năm 2025; 10/21 xã tiến hành tái bản lịch sử Đảng bộ lần thứ nhất. Dự kiến, đến năm 2025 huyện và 21 xã, thị trấn sẽ cơ bản hoàn thành việc tái bản lịch sử đảng bộ địa phương, xem đây là công trình thiết thực chào mừng đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Các bản thảo, ấn phẩm trước khi in ấn xuất bản đều được tổ chức hội thảo lấy ý kiến thẩm định, đánh giá của ngành chuyên môn, các nhân chứng lịch sử; nội dung công trình bảo đảm tính Đảng, tính khoa học, tính lịch sử. Nhiều công trình, đề tài có giá trị khoa học, thực tiễn cao phục vụ cho công tác nghiên cứu, học tập như: Lịch sử Đảng bộ huyện Giồng Trôm (1930 - 2010), Lịch sử Lực lượng vũ trang nhân dân huyện Giồng Trôm (1945 - 2015), Lịch sử ngành Tuyên giáo huyện Giồng Trôm (1930 - 2015)… Đây là những tài liệu quan trọng góp phần vào công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng; góp phần quan trọng vào công tác tư tưởng, lý luận, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ huyện trong sự nghiệp đổi mới.

Bên cạnh đó, các di tích lịch sử, cách mạng, bia ghi danh trên địa bàn huyện luôn được giữ gìn, tôn tạo và phát huy, trở thành “Địa chỉ đỏ” về nguồn trong sinh hoạt tuyên truyền, giáo dục lịch sử cách mạng, lịch sử truyền thống địa phương. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 4 di tích lịch sử cấp quốc gia: Đình Bình Hòa; Di tích Mộ và Đền thờ Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng; Di tích Ngôi nhà ông Nguyễn Văn Trác - Nơi ở và làm việc của đồng chí Lê Duẩn từ tháng 11-1955 đến tháng 3-1956; Di tích Các chứng tích về cuộc thảm sát 286 người dân vô tội do thực dân Pháp tiến hành năm 1947 và 9 di tích cấp tỉnh. Các di tích đã trở thành niềm tự hào của cán bộ và nhân dân trong huyện, là điểm đến hấp dẫn của đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Đa dạng hình thức tuyên truyền, giáo dục

Công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân được quan tâm chỉ đạo với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Tổ chức tuyên truyền thông qua hệ thống báo cáo viên, tuyên truyền viên, các buổi sinh hoạt chi bộ, đoàn thể, sinh hoạt chuyên đề, trên hệ thống các phương tiện thông tin đại chúng nhân dịp kỷ niệm các sự kiện chính trị, các ngày lễ, ngày truyền thống. Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã biên soạn nhiều bài viết, tham luận đăng trên bản tin sinh hoạt nội bộ huyện hàng tháng, tham gia các hội thảo khoa học cấp tỉnh tuyên truyền về các sự kiện, nhân vật lịch sử của địa phương; tổ chức các cuộc thi viết, thi trắc nghiệm tìm hiểu về lịch sử Đảng bộ tỉnh, huyện; các đợt sinh hoạt chính trị, tọa đàm, gặp gỡ điển hình, xây dựng phim tài liệu về lịch sử Đảng bộ huyện.

Năm 2019, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo tuyên truyền, hưởng ứng và tham gia cuộc thi viết tìm hiểu lịch sử Đảng bộ tỉnh (1930 - 2015) và phong trào Đồng khởi năm 1960; phát động tham gia cuộc thi trắc nghiệm tìm hiểu 90 năm lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 2023, Ban Tuyên giáo Huyện ủy tham mưu tổ chức cuộc thi trắc nghiệm trực tuyến tìm hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và Lịch sử Đảng bộ huyện Giồng Trôm. Cuộc thi thu hút 14.273 lượt đăng ký, 22.300 lượt dự thi.

Các xã, thị trấn thường xuyên tổ chức tuyên truyền lịch sử Đảng bộ địa phương thông qua nhiều hình thức như: hệ thống đài truyền thanh, bản tin sinh hoạt tổ nhân dân tự quản, tổ chức hội thi tìm hiểu lịch sử đảng bộ địa phương (đã có 16/21 xã, thị trấn tổ chức hội thi, trong đó có những đơn vị tổ chức 2 lần)… Từ đó góp phần giáo dục, củng cố và nâng cao tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng, đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng quê hương cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Công tác giáo dục lịch sử Đảng cũng có nhiều đổi mới. Trung tâm Chính trị huyện đã đưa nội dung tuyên truyền lịch sử đảng bộ địa phương vào giảng dạy tại các lớp bồi dưỡng đảng viên mới, bồi dưỡng nhận thức về Đảng, các lớp sơ cấp lý luận chính trị theo tài liệu hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Hiện tại, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã biên soạn 2 chuyên đề lịch sử đảng bộ địa phương, dự kiến sẽ triển khai trong quý III-2024.

Ở các trường THCS, THPT lồng ghép nội dung giáo dục lịch sử địa phương trong các môn: Lịch sử, Giáo dục công dân, hoạt động ngoại khóa với nội dung phù hợp, tích hợp được các giá trị văn hóa đặc trưng của từng địa phương, giúp học sinh dễ học, dễ hiểu, dễ tiếp thu.

Song song với đó, công tác bảo vệ lịch sử Đảng cũng được huyện chú trọng tăng cường. Hàng năm, Ban Chỉ đạo 35 Huyện ủy, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã ban hành hướng dẫn các ngành trong thông tin truyền thông tích cực đưa tin, bài, đấu tranh, phê phán các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc lịch sử Đảng, lịch sử đảng bộ địa phương, thông tin sai lệch, bịa đặt về sự lãnh đạo của Đảng và của đảng bộ, về người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, địa phương, đơn vị…

Việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng của Đảng, giáo dục lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống địa phương đã nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn huyện. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống, nâng cao ý chí, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cán bộ, đảng viên và tình cảm cách mạng, lòng yêu nước của nhân dân địa phương.

  Hà Vy - Minh Tâm

(Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN