Giồng Trôm duy trì 14 chương trình tín dụng ưu đãi cho người nghèo

11/10/2024 - 06:51

BDK - Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Giồng Trôm Nguyễn Thị Thu Phượng cho rằng, với đặc thù là huyện thuần nông, thu nhập bình quân đầu người còn thấp hơn so với mặt bằng chung, đời sống một bộ phận người dân gặp rất nhiều khó khăn cần có chính sách hỗ trợ. Trong những năm qua, huyện luôn xem tín dụng chính sách xã hội (CSXH) là một trong những nguồn lực quan trọng, góp phần thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Mô hình nuôi lươn thương phẩm của người dân xã Thạnh Phú Đông (Giồng Trôm).

Từ nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10-6-2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH, Huyện ủy, UBND huyện đã cụ thể hóa và ban hành nhiều văn bản quán triệt, triển khai thực hiện đến các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội thông qua việc lãnh đạo, chỉ đạo, học tập, quán triệt, tuyên truyền, huy động các nguồn tiền gửi của tổ chức, cá nhân, ủy thác ngân sách địa phương sang Ngân hàng CSXH huyện để cho vay vốn ưu đãi, phối hợp triển khai thực hiện nguồn tín dụng ưu đãi gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Song song đó, Huyện ủy cũng thường xuyên củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc sử dụng nguồn vốn vay tín dụng CSXH lồng ghép với thực hiện công tác chuyển đổi số thông qua việc triển khai các dịch vụ của ngân hàng đến người dân, nhất là các đối tượng yếu thế, vùng sâu, vùng xa; tham gia kiểm tra, giám sát và phản biện xã hội đối với hoạt động tín dụng CSXH trên địa bàn.

Trong những năm qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện luôn duy trì và triển khai thực hiện 14 chương trình tín dụng ưu đãi dành cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến nay, tổng dư nợ đạt hơn 484 tỷ đồng, tăng hơn 309 tỷ đồng (tăng 177,68%) so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, đã giúp cho hơn 15.880 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận vốn vay ưu đãi. Trong đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện có dư nợ hơn 191 tỷ đồng, Hội Nông dân huyện có dư nợ hơn 151 tỷ đồng, Hội Cựu chiến binh huyện có dư nợ hơn 67 tỷ đồng và Đoàn thanh niên dư nợ hơn 61 tỷ đồng.

Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Giồng Trôm Nguyễn Thị Thu Phượng cho biết: Qua thực tiễn cho thấy, nơi nào cấp ủy, chính quyền có sự quan tâm, chăm lo tốt cho người nghèo và các đối tượng chính sách thì nơi đó thực hiện rất tốt, rất có hiệu quả chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Cần tiếp tục nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu trong tham mưu, triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW. Bố trí, huy động nguồn lực thật tốt để thực hiện tín dụng CSXH cho người nghèo. Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH trên địa bàn huyện về tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, đạo đức của độ ngũ cán bộ, nâng cao hiệu quả phương thức hoạt động ủy thác, tổ chức tốt hoạt động giao dịch ở cấp xã, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người vay trong sử dụng vốn vay đúng phương án; tự giác chấp hành nghĩa vụ trả nợ, trả lãi đầy đủ và đúng hạn, thực hành tiết kiệm thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn.

Nguồn vốn tín dụng CSXH đã lan tỏa đến 100% ấp, khu phố trong toàn huyện. Chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội đã thành lập được 349 tổ tiết kiệm và vay vốn; xây dựng 21 điểm giao dịch tại cấp xã, đưa các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng như: cho vay, thu nợ, thu lãi, huy động vốn, tiết kiệm, chi trả an sinh xã hội, App VBSP SmartBanking… tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần hạn chế “tín dụng đen”, thực hiện công tác chuyển đổi số và thanh toán không dùng tiền mặt. Đánh giá của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện, đến thời điểm này, nợ quá hạn và nợ khoanh chỉ còn 0,24%.

Bài, ảnh: Thành Lập

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN