Hội Nông dân huyện Mỏ Cày Nam thực hiện dự án tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải

11/10/2024 - 06:51

BDK - Thời gian qua, Hội Nông dân (HND) huyện Mỏ Cày Nam đã triển khai thực hiện Dự án (DA) “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” đã đạt những kết quả đáng ghi nhận. DA được triển khai thông qua các mô hình như: Lên men phụ phẩm cây trồng thành thức ăn chăn nuôi, ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng tại ruộng, nuôi (sâu canxi, gà trên đệm lót sinh học dày và trùn quế).

Mô hình nuôi sâu canxi tại hộ bà Đỗ Thị Lệ, ấp Tân Phong, xã Thành Thới A.

DA “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” được triển khai thực hiện trên địa bàn 3 huyện: Ba Tri, Mỏ Cày Nam và Thạnh Phú; với 3 xã/huyện. Tại huyện Mỏ Cày Nam, có 3 xã như: Bình Khánh, Ngãi Đăng và Thành Thới A được chọn để tham gia DA. Mỗi xã được Ban Quản lý (BQL) DA tỉnh trao 1 máy băm cỏ, 1 thùng rác, 15 thùng chế phẩm sinh học EM môi trường (10 lít/thùng), 15 thùng rỉ mật đường (5kg/thùng) và 30 gói chế phẩm vi sinh phân giải Xenlulo TBio BIOFIT Composting (trọng lượng từ 0,5 - 1,5kg/gói).

“Tôi đang nuôi 4 con bò vỗ béo và 4 heo rừng sinh sản để lấy phân thực hiện mô hình ủ phân hữu cơ bằng chế phẩm vi sinh phân giải Xenlulo TBio BIOFIT Composting. Từ đó, góp phần bảo vệ môi trường và cung ứng phân bón hiệu quả cho 2.500m2 bưởi da xanh. Thu hoạch 1 tấn phân hữu cơ tự ủ thì tôi sẽ giảm được 9,8 triệu đồng, tương đương giảm hơn 90,74% chi phí so với việc mua phân hữu cơ bên ngoài”, ông Ngô Văn Tí Phô, ngụ Tổ nhân dân tự quản số 11, ấp Thành Long, xã Thành Thới A cho biết.

Cuối tháng 11-2022, HND huyện Mỏ Cày Nam và 3 xã tham gia DA phối hợp với BQL DA tỉnh tổ chức tập huấn hướng dẫn cho 115 hộ thực hiện 3 loại mô hình: Lên men phụ phẩm cây trồng thành thức ăn chăn nuôi, ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng tại ruộng và nuôi gà trên đệm lót sinh học dày. Qua lớp tập huấn, có 100% hộ tham gia đã triển khai thực hiện đạt quy trình cơ bản của DA. Với 2 mô hình còn lại, có 60 hộ được BQL DA tỉnh cung cấp con giống và triển khai thực hiện đạt hiệu quả tốt.

Tổ trưởng Tổ hợp tác (THT) Nuôi bò ấp Phú Đăng, xã Ngãi Đăng Nguyễn Văn Vũ chia sẻ: “THT có 12 thành viên (TV), với tổng số 30 bò sinh sản và vỗ béo, chăn nuôi từ 1 - 3 con/TV. Thu gom chất thải trong chăn nuôi, TV của THT triển khai thực hiện mô hình ủ phân hữu cơ bằng chế phẩm vi sinh phân giải Xenlulo TBio BIOFIT Composting. Qua đó, vừa tạo được việc làm và giảm chi phí trong sản xuất nông nghiệp cho TV. Kết quả, THT đã thu hoạch hơn 4 tấn sau 9 tháng thực hiện mô hình, giúp TV có nguồn phân hữu cơ để canh tác nông nghiệp, tiết kiệm hơn 3 ngàn đồng/kg so với giá phải mua”.

“Gia đình tôi nuôi 3 con bò vỗ béo và 30 con gà thịt, 10 con vịt đẻ. Trước đây, tôi phải mua thức ăn đủ loại cho gà, vịt và bò, với chi phí hơn 1,5 triệu đồng/tháng. Hiện nay, tôi xây dựng 2 bể (diện tích 5m2/bể) nuôi sâu canxi, đã cung ứng đầy đủ lượng thức ăn cho vật nuôi. Sau 13 ngày nuôi, tôi thu hoạch được từ 35 - 40kg sâu canxi/bể. Tôi ước tính đã tiết kiệm được hơn 1 triệu đồng/tháng về tiền mua thức ăn cho gà, vịt và bò của gia đình”, bà Đỗ Thị Lệ, ngụ Tổ nhân dân tự quản số 12, ấp Tân Phong, xã Thành Thới A chia sẻ.

Đối chiếu thực tế địa phương, HND xã Thành Thới A đã triển khai thực hiện các mô hình thuộc DA như: Ủ phân hữu cơ bằng chế phẩm vi sinh phân giải Xenlulo TBio BIOFIT Composting có 15 hộ đăng ký tham gia, mỗi hộ được BQL DA tỉnh hỗ trợ 2kg men vi sinh phân giải Xenlulo TBio BIOFIT Composting, nhân rộng thêm 85 hộ. Nuôi sâu canxi có 5 hộ đăng ký tham gia, BQL DA tỉnh hỗ trợ 0,25gram trứng/hộ, nhân rộng thêm 5 hộ. Nuôi trùng quế có 15 hộ đăng ký tham gia, nhân rộng thêm 30 hộ. Nuôi gà trên đệm lót sinh học dày có 10 hộ đăng ký tham gia, BQL DA tỉnh sẽ hỗ trợ 2 triệu đồng/hộ, mô hình chưa được nhân rộng.

“Ban đầu, có 175 hộ đăng ký, nhân rộng 25 hộ triển khai thực hiện 5 mô hình tại 3 xã tham gia DA trên địa bàn huyện. DA đã đưa ra những mô hình mới và được áp dụng thực tiễn trong cuộc sống của người dân nông thôn, góp phần nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường của cộng đồng, tăng thêm nguồn thu nhập để phát triển kinh tế gia đình cho TV tham gia. Hướng tới, hội tiếp tục duy trì và phát huy những giá trị thiết thực của DA và nhân rộng những mô hình hiệu quả tại địa phương”.

(Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Mỏ Cày Nam Nguyễn Văn Hết)

Bài, ảnh: Lê Đệ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN