Giồng Trôm tăng cường công tác phòng chống hạn mặn mùa khô 2024

22/12/2023 - 06:39

BDK - Theo thông tin của các cơ quan chuyên ngành khí tượng, thủy văn của Trung ương, Đài Khí tượng thủy văn của tỉnh, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh nói chung, huyện Giồng Trôm nói riêng trong mùa khô năm 2023-2024 diễn biến rất phức tạp và khó lường. Để giúp nhân dân chủ động các giải pháp phòng ngừa, ứng phó với tình hình hạn mặn mùa khô năm 2023-2024, Ban Thường vụ Huyện ủy và UBND huyện đã chủ động cụ thể hóa, triển khai, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện.

Người dân xã Hưng Lễ trữ nước mưa trong các lu, ống hồ để phục vụ sinh hoạt. Ảnh: D. Hiền

Người dân xã Hưng Lễ trữ nước mưa trong các lu, ống hồ để phục vụ sinh hoạt. Ảnh: D. Hiền

Theo đánh giá của ngành chức năng huyện, các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống hạn mặn, kế hoạch trữ nước mưa, nước ngọt, cũng như văn bản chỉ đạo công tác phòng chống hạn mặn, phương án bảo vệ sản xuất (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản)… và triển khai thực hiện tại địa phương mình nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do ảnh hưởng của xâm nhập mặn gây ra cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền đến các ấp, tổ nhân dân tự quản thông qua hệ thống Đài truyền thanh xã và lồng ghép vào các cuộc họp, hội, sinh hoạt tổ nhân dân tự quản. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, năng lực phòng chống, ứng phó xâm nhập mặn của người dân trên địa bàn.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Giồng Trôm Nguyễn Vũ Phong, qua kiểm tra thực tế công tác phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn vừa qua tại các xã tiểu vùng 3, đa số các hộ dân trên địa bàn các xã đã trữ nước mưa trong các ống hồ, túi chứa nước… cơ bản đảm bảo phục vụ nước sinh hoạt và ăn uống. Nhân dân đã chủ động trữ nước ngọt trong mương vườn, chứa nước trong túi nilon, đắp đê bao cục bộ... ngăn mặn và trữ nước ngọt để chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Hệ thống thủy lợi nội đồng tại các địa phương cơ bản được đảm bảo, nạo vét bằng cơ giới thực hiện ở xã Thạnh Phú Đông (tuyến kênh Chín Tùng), Tân Hào (rạch Lương Ngang), chuẩn bị nghiệm thu đưa vào sử dụng. Ngoài ra, các địa phương còn vận động nhân dân nạo vét thủ công để khai thông dòng chảy, tích trữ nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

Ban quản lý các công trình cống đầu mối trên địa bàn huyện cũng sẽ thông báo đóng các cửa cống ngăn mặn khi độ mặn có khả năng ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân khi độ mặn trên 1%o như: cống Sơn Đốc 1, 2; cống Cái Mít, cống Ba Mới, cống Bến Thẻ, cống Cầu Bún... phía sông Hàm Luông. Các máy lọc RO đang được các địa phương bảo dưỡng để chuẩn bị phục vụ cho người dân trong mùa hạn mặn.

Để công tác phòng chống hạn mặn đạt hiệu quả cao trong thời gian tới theo tinh thần chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy, toàn huyện tiếp tục quan tâm hơn nữa đối với công tác phòng chống. Tăng cường công tác phối hợp với các ngành tỉnh, huyện thực hiện kế hoạch nâng cấp, sửa chữa, xây dựng mới các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất và dân sinh; thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết để chủ động phòng tránh, ứng phó với thiên tai trên địa bàn huyện. Các địa phương thực hiện nghiêm và có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng” trong phòng ngừa, ứng phó xâm nhập mặn, không để xảy ra bị động, bất ngờ.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện sẽ kiến nghị về Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh xem xét có khảo sát và hỗ trợ các địa phương tiếp tục mở rộng mạng lưới cấp nước sạch; phối hợp với Chi nhánh 1 - Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi khảo sát thực tế các cống để kịp thời khắc phục, sửa chữa đảm bảo ngăn mặn, trữ ngọt khi xảy ra hạn mặn.

D.Hiền - A.Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN