Giáo dục Bến Tre 50 năm vững bước chuyển mình, bài 1

Hành trình gian khó đến hiện đại

23/04/2025 - 05:20

Hoạt động giáo dục trải nghiệm tại Trường Mầm non Hoa Dừa, TP. Bến Tre.  

Vượt khó khôi phục sau chiến tranh

Sau ngày miền Nam giải phóng, ngành GD&ĐT tỉnh phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách. Nhiều trường học bị bom đạn tàn phá, bàn ghế thiếu thốn, sách vở không đủ, đội ngũ giáo viên thiếu cả về số lượng lẫn trình độ chuyên môn. Tình trạng thất học phổ biến, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng căn cứ cách mạng.

Lúc bấy giờ, thực hiện chỉ đạo mới về công tác giáo dục ở miền Nam sau giải phóng, Đảng bộ và ngành giáo dục tỉnh chủ động thực hiện nhiệm vụ trước mắt, chuẩn bị cho năm học đầu tiên sau giải phóng. Với tinh thần cách mạng kiên cường, ngành giáo dục tỉnh nhanh chóng bắt tay vào công cuộc tái thiết.

Nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Thanh Sơn kể: “Lúc đó, tỉnh có 3 ngàn giáo viên chế độ cũ. Mình vừa động viên họ tiếp tục giảng dạy, vừa tổ chức các lớp sinh hoạt chính trị để giúp họ hiểu thêm về cách mạng, yên tâm công tác. Cùng với sự hỗ trợ tích cực của Trung ương từ chương trình giáo dục miền Bắc giúp miền Nam, hàng trăm giáo viên từ tỉnh Vĩnh Phúc được điều động về tỉnh mang theo tác phong sư phạm nghiêm túc và tinh thần đầy nhiệt huyết. Phía tỉnh đã tranh thủ tổ chức các lớp bồi dưỡng chính trị, chuyên môn, gấp rút đào tạo mới đội ngũ giáo viên mẫu giáo và phổ thông.

Ngay đầu năm học 1975 - 1976, ngành GD&ĐT đã huy động gần 1 ngàn giáo viên, mở lớp đồng loạt tại 8 huyện, thị xã. Trường học tạm với hàng trăm phòng học bằng cây, lá được mọc lên từ vùng mới giải phóng cho đến vùng sâu, vùng căn cứ kháng chiến cũ đã đáp ứng phần nào nhu cầu học tập của con em nhân dân lao động.

Bồi hồi nhớ lại buổi lễ khai giảng ngày 19-10-1975, lễ khai giảng đầu tiên sau giải phóng, ông Nguyễn Thanh Sơn nói: “Chúng tôi vừa hồi hộp, vừa xúc động. Học sinh cầm hoa đứng xếp hàng dài. Thầy cô mặc áo dài trắng chuẩn bị buổi lễ trang nghiêm. Nghe lãnh đạo tỉnh đọc thư Bác Hồ gửi học sinh năm 1945, ánh mắt em nào cũng rạng rỡ”.

Giai đoạn chuyển mình gian khó

Năm 1986, cả nước bước vào thời kỳ đổi mới toàn diện. Đây cũng là giai đoạn đánh dấu bước chuyển mình của ngành GD&ĐT tỉnh. Nhớ lại giai đoạn 1986 - 1991, ông Nguyễn Thanh Sơn chia sẻ: “Đất nước vừa bước vào công cuộc đổi mới, kinh tế - xã hội còn đầy rẫy khó khăn. Quy mô giáo dục phổ thông và mầm non bị giảm sút. Cơ cấu hệ thống GD&ĐT chưa hợp lý”.

Trước thực trạng đó và yêu cầu cấp bách của sự nghiệp GD&ĐT, toàn ngành kiên cường, từng bước cải tổ mạng lưới trường lớp, sắp xếp lại tổ chức để thực hiện mục tiêu phổ cập tiểu học và đa dạng hóa loại hình giáo dục. Ngành GD&ĐT tỉnh dốc toàn lực cùng với các huyện, thị giải quyết những khó khăn về mặt bằng, cơ sở vật chất và cả kinh phí để phục vụ mục tiêu tách riêng hệ thống trường phổ thông thành các cấp độc lập. Năm học 1986 - 1987, toàn tỉnh có đến 173 trường phổ thông cơ sở, phần lớn vẫn còn chung cấp. Đến năm học 1990 - 1991, ngành GD&ĐT đã xây dựng được 53 trường cấp 1 và 20 trường cấp 2 độc lập. Trường phổ thông cơ sở được thu gọn chỉ còn 126 trường.

Điểm nhấn của giai đoạn này là mô hình lớp B (lớp bán công trong trường công). Nhờ mô hình đến năm 1990 - 1991, số học sinh cấp 2 hệ B đã chiếm 7%, cấp 3 là 27%. Một mô hình rất mới khác cũng được ra đời như: Trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp. Đây là nơi dạy nghề phổ thông cho học sinh cấp 2 và 3, đồng thời giáo dục kỹ thuật tổng hợp, đáp ứng nhu cầu lao động của địa phương.

Thực tiễn 10 năm xóa mù chữ, mạng lưới hệ thống giáo dục quốc dân được quy hoạch, sắp xếp ổn định. Thành quả phổ cập giáo dục tiểu học, chống mù chữ được giữ vững và phát huy. Cơ sở vật chất, cảnh quan nhà trường tương đối khang trang, sạch đẹp. Công tác quản lý tiếp tục đổi mới.

Hiện đại hóa, hội nhập và phát triển

Bước vào thế kỷ XXI, trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0, ngành GD&ĐT tỉnh tiếp tục có những bước tiến vượt bậc. Cơ sở vật chất trường học ngày càng khang trang, hiện đại hơn. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia không ngừng tăng. Tính đến năm học 2024 - 2025, có trên 61% tỷ lệ trường THCS và 40% trường THPT đạt chuẩn quốc gia. Số lượng học sinh đi học đúng độ tuổi đạt gần như tuyệt đối.

Phương pháp dạy học được đổi mới theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học. (ảnh: Học sinh trong tỉnh tham gia ngày hội sáng tạo)

Hiện nay, toàn ngành GD&ĐT đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và quản lý. Các mô hình lớp học thông minh, thư viện điện tử, học trực tuyến… được triển khai thí điểm và nhân rộng. Đội ngũ nhà giáo ngày càng được chuẩn hóa, có trình độ chuyên môn vững vàng, tâm huyết với nghề. Toàn ngành hiện có 14.864 biên chế, trong đó 1.119 cán bộ quản lý, 12.267 giáo viên. Cán bộ quản lý từng bậc học, cấp học hầu hết đạt chuẩn và tỷ lệ đạt trên chuẩn ngày càng tăng.

Công tác đổi mới phương pháp dạy học được chú trọng theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học. Một dấu ấn quan trọng là việc triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ngành GD&ĐT đã chủ động tổ chức tập huấn, chuẩn bị cơ sở vật chất, sách giáo khoa và kế hoạch giảng dạy phù hợp với thực tiễn. Giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, tinh thần khởi nghiệp, bảo vệ môi trường, gìn giữ văn hóa địa phương… ngày càng được quan tâm, lồng ghép hài hòa trong các môn học và hoạt động ngoại khóa. Giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên và liên kết đào tạo cũng được chú trọng, góp phần nâng cao trình độ dân trí và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp phát triển tỉnh.

“Nhìn lại chặng đường đã qua, thế hệ cán bộ, giáo viên hôm nay, chúng tôi càng thêm trân quý những cống hiến thầm lặng của biết bao thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và học sinh, sinh viên tỉnh. Đồng thời, chúng tôi cũng đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ mới cho chặng đường phía trước, phải tiếp tục đổi mới, sáng tạo, chủ động hội nhập và phát triển bền vững. Với sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng với truyền thống hiếu học của người dân tỉnh và tâm huyết của bao thế hệ giáo viên, chúng tôi quyết tâm đưa chất lượng giáo dục tỉnh nhà ngày càng phát triển, vững bước tiến vào kỷ nguyên mới”.

(Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo La Thị Thúy)

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN