
Cán bộ y tế CDC và công chức văn hóa xã Sơn Định (Chợ Lách) giám sát thông tin ca dại. Ảnh: P. Hân
Tử vong do bị chó nhà cắn
Khoảng hơn 1 tháng trước, bà K.T.H sinh năm 1968, nghề nghiệp làm vườn, ở ấp Sơn Lân, xã Sơn Định (Chợ Lách), bị chó nhà cắn chảy máu đầu ngón cái bàn tay trái. Ngay sau khi cắn người, con chó đã bị gia đình đập chết. Bà K.T.H có đi đắp thuốc nam, lấy nọc tại Vĩnh Long. Trong suốt thời gian hơn 1 tháng nay, bệnh nhân sống khỏe, không có biểu hiện gì bất thường.
Theo lời kể ông P.H.L (chồng bà K.T.H), ngày 4-10-2022, bà K.T.H thấy khó chịu, hơi ớn lạnh, sợ nước, mệt mỏi. Ngày 5-10-2022, tình trạng khó chịu, mệt mỏi, ớn lạnh nhiều hơn kèm đau cơ, đau ngứa tại vết thương ở tay do chó cắn trước đó và có biểu hiện cào cấu. Người nhà đưa bà K.T.H đến Khoa Cấp cứu, Trung tâm Y tế huyện Chợ Lách để khám, điều trị. Tại đây, bệnh nhân được chuyển tuyến lên Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu. Ngày 6-10-2022, bác sĩ chẩn đoán bệnh dại và gia đình xin về. Bệnh nhân tử vong trong chiều cùng ngày tại nhà.
Trước di ảnh của người vợ, ông P.H.L xót xa kể: “Từ khi chuyển viện về 3 giờ là bà nhà tôi ra đi. Trước lúc ra đi, bà nằm nhào lộn, cào cấu cho đến ngừng thở… Tôi rất ân hận. Tôi có lời nhắn nhủ, nếu ai rủi ro bị chó cắn, ráng đi tiêm ngừa kịp thời”.
Theo ông P.H.L, do chủ quan chó nhà cắn nên không sao. Một phần gia đình khó khăn chi phí đi đắp thuốc có 50 ngàn đồng, trong khi đó tiêm chủng vắc-xin đủ liều trên 1 triệu đồng. Theo điều tra dịch tễ, ông P.H.L cũng bị chó cắn tại ngón cái bàn tay phải, hiện tại sức khỏe bình thường, chưa có dấu hiệu bệnh lý.
Thông tin từ các hộ dân lân cận, từ 1 tháng trước, địa bàn xuất hiện một con chó lạ, cắn chó nhà bà K.T.H và các con chó trong xóm rồi mất dấu. Khu vực gia đình bà K.T.H có nhiều hộ nuôi chó nhưng chưa được tiêm chủng vắc-xin dại đầy đủ.
Vắc-xin giải pháp phòng bệnh
Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) Nguyễn Trung Dũng cho biết: Tiêm vắc-xin phòng dại trước phơi nhiễm hay khi bị phơi nhiễm có thể phối hợp tiêm kháng huyết thanh dại trong trường hợp có chỉ định là biện pháp dự phòng bệnh dại có hiệu quả nhất. Bệnh dại là một bệnh nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong cao vì hiện không có thuốc đặc hiệu để điều trị khi đã lên cơn dại.
Công chức văn hóa xã Sơn Định Nguyễn Bé Bảy cho biết: Ngay khi nắm bắt thông tin, Trung tâm Y tế huyện Chợ Lách và UBND xã đã đến vận động gia đình ông P.H.L đi tiêm phòng vắc-xin dại. Do kinh tế gia đình khó khăn, địa phương đã vận động nguồn kinh phí 1,5 triệu đồng cho ông P.H.L tiêm chủng. Hiện ông P.H.L đã tiêm 5 liều vắc-xin phòng dại. Còn 6 trường hợp (người hàng xóm), có tiếp xúc trong thời gian chăm sóc bệnh nhân nhưng không có vết trầy xước, đang vận động tiêm ngừa vắc-xin và theo dõi quá trình tiêm.
Hiện nay, ấp Sơn Lân, xã Sơn Định không có hiện tượng chó cắn nhiều người, không có hiện tượng chó, mèo bệnh dại. Xã Sơn Định có trên 1.500 chó chưa tiêm ngừa. Toàn huyện Chợ Lách, từ đầu năm đến nay ghi nhận 2 ổ dịch dại động vật ở ấp Hưng Nhơn, xã Hòa Nghĩa và ấp Vĩnh Chính, xã Vĩnh Thành. Cả 2 ổ dịch dại đã kết thúc.
Nhân viên Khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế huyện Chợ Lách Ngô Quang Huy cho biết: “Ngành y tế huyện đã tăng cường truyền thông về bệnh dại trên loa phát thanh xã, đài truyền thanh huyện, phát bảng biểu thông tin bệnh dại. Toàn huyện có 2 điểm tiêm vắc-xin dại tại Trung tâm Y tế huyện Chợ Lách và Phòng khám Vạn Thành. Việc tiêm huyết thanh phòng dại chưa triển khai do nhân sự, cần có lớp tập huấn, bồi dưỡng để lực lượng am tâm thực hành tiêm chủng cho người dân”,
Trong ngày 10-10-2022, CDC đã tiến hành điều tra, xác minh trường hợp tử vong do bệnh dại và các trường hợp liên quan khác để có phương án xử lý kịp thời. Qua đó, CDC đã hướng dẫn, vận động gia đình đi tiêm vắc-xin phòng dại trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, CDC chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Chợ Lách, Trạm Y tế xã Sơn Định tăng cường giám sát địa bàn để phối hợp với cơ quan chức năng xử lý kịp thời những tình huống cần thiết, không để người dân tử vong do bệnh dại. Y tế địa phương cung cấp những thông tin cần thiết và cách phòng chống bệnh dại. Nhất là việc phát hiện súc vật bị bệnh dại, cách xử lý sau khi bị súc vật cắn cho người dân hiểu. Bên cạnh đó, tích cực tuyên truyền vận động nhân dân khi có súc vật như chó, mèo... cắn nên tới các cơ sở y tế để tiêm vắc-xin phòng bệnh dại kịp thời.
Trung bình mỗi năm, cả nước có trên 80 người chết vì bệnh dại. Bệnh chủ yếu của vật nuôi (chó, mèo…) hoặc động vật hoang dã (dơi, cáo…) lây sang người qua vết cắn, cào ở da và niêm mạc. Trong một số trường hợp, bệnh dại có thể lây lan khi nước bọt bị nhiễm trùng xâm nhập vào vết thương hở hoặc màng nhầy, như miệng hoặc mắt. Một con vật bị nhiễm bệnh liếm một vết cắt hở trên da cũng bị lây nhiễm. |
Phan Hân