Chống thất thu thuế
Hiệu quả rõ rệt nhất là kết quả thực hiện đồng bộ các công cụ, giải pháp quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh với việc lắp đặt, niêm phong đồng hồ trên các phương tiện đo xăng dầu (1.066 cột bơm) của các DN kinh doanh xăng dầu. Sau thời điểm niêm phong, từ tháng 6-2017 đến ngày 31-10-2018, các chỉ tiêu xăng dầu đều tăng đáng kể.
Sản lượng xăng dầu tiêu thụ năm 2017 tăng 8% so với năm 2016; so với cùng kỳ 9 tháng của năm 2018 tăng 6%. Thuế giá trị gia tăng năm 2017 tăng 17%, tương ứng tăng 14,384 tỷ đồng so với năm 2016; so với cùng kỳ 9 tháng của năm 2018 tăng 23% tương ứng tăng 17,013 tỷ đồng. Thuế bảo vệ môi trường năm 2017 tăng 2% tương ứng tăng 2,797 tỷ đồng so với năm 2016; so với cùng kỳ 9 tháng của năm 2018 tăng 4% tương ứng 4,933 tỷ đồng. Thuế thu nhập DN năm 2017 tăng 11% so với năm 2016; so với cùng kỳ 9 tháng của năm 2018 tăng 23%.
Kết quả này đã góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước năm 2017 tăng thu 23,369 tỷ đồng so với năm 2016, so với cùng kỳ 9 tháng của năm 2018 tăng thu 22,198 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với mức chi ngân sách nhà nước dành cho sự nghiệp KH&CN Bến Tre năm 2018 (19,639 tỷ đồng). Ngoài ra, việc quản lý, kiểm tra, đối chiếu sản lượng mua vào, bán ra đã được công khai, minh bạch và bình đẳng trong hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn.
Bồi dưỡng nguồn thu
Từ 2015 đến 2018, trên địa bàn tỉnh có 5 DN đã được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN gồm: Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới, Công ty TNHH MTV chế biến các sản phẩm dừa Cửu Long, Công ty TNHH MTV cơ khí Văn Liêm, Công ty TNHH kỹ thuật dừa, Công ty cổ phần Sa Sâm Việt. |
KH&CN không chỉ thiết thực chống thất thu thuế mà còn bồi dưỡng nguồn thu thuế, tạo động lực cho các DN kinh doanh và phát triển. Từ 2015 đến 2018, trên địa bàn tỉnh có 5 DN đã được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN. Các DN KH&CN đã được hình thành từ việc ứng dụng kết quả nghiên cứu KH&CN tự thân DN hoặc nhận chuyển giao kết quả nghiên cứu KH&CN từ nguồn ngân sách nhà nước, nhập khẩu máy móc, thiết bị sau đó tự ươm tạo. Các sản phẩm hình thành từ các kết quả KH&CN đều đã gia nhập vào thị trường và được thị trường chấp nhận. Các DN KH&CN phát triển tốt, doanh thu của các sản phẩm, hàng hóa không ngừng tăng theo thời gian, năm 2018 đạt trên 995,5 tỷ đồng.
Để tiếp tục nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh cho DN trong bối cảnh hội nhập, Sở KH&CN tiếp tục đồng hành cùng với DN và ngành thuế thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Phối hợp với cơ quan thuế địa phương thực hiện dán tem niêm phong 86 công tơ tổng - cột đo xăng dầu tại 27 DN kinh doanh xăng dầu, trong đó thay mới 6 công-tơ tổng/4 DN.
Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định số 13/2019/NĐ-CP Về DN KH&CN, có hiệu lực từ ngày 20-3-2019. Theo đó, thu nhập của DN KH&CN từ hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN được miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập DN phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước theo quy định của pháp luật về đất đai. DN KH&CN được hưởng ưu đãi về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ... Được ưu tiên, không thu phí dịch vụ khi sử dụng máy móc, trang thiết bị tại các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo DN, cơ sở nghiên cứu KH&CN của Nhà nước để thực hiện các hoạt động nghiên cứu KH&CN, ươm tạo công nghệ, sản xuất thử nghiệm sản phẩm mới, ươm tạo DN KH&CN. Ngoài ra, còn có một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích khác…
Việc triển khai đồng bộ các công cụ quản lý thuế và cơ chế, chính sách ưu tiên cho DN KH&CN là đòn bẩy để ngành thuế, ngành KH&CN và DN tiếp tục tăng tốc tạo ra bứt phá thành công trong năm 2019.
Đặng Văn Cử