Các cơ sở giáo dục cần tăng cường truyền thông cho học sinh cách giữ gìn vệ sinh để phòng ngừa bệnh đau mắt đỏ. Ảnh: T. Thảo
* Thưa bác sĩ, bệnh đau mắt đỏ có những biểu hiện nào?
- Bác sĩ Lâm Đức Thiện: Bệnh đau mắt đỏ hay còn gọi là bệnh viêm kết mạc cấp. Bệnh dễ lây lan qua đường tiếp xúc trực tiếp, có thể lan nhanh thành dịch. Bệnh nhân đau mắt đỏ có cảm giác cộm, xốn tại mắt giống như có “cát”, mắt khó chịu, đau nhẹ. Mí mắt sưng và chảy nước mắt. Mắt đỏ, có ghèn, mí dính lại khi thức dậy, thường đỏ một mắt trước sau đó lan qua mắt thứ hai. Một số ít trường hợp có thể có xuất huyết ở tròng trắng hoặc có lớp giả mạc. Đôi khi có đau hạch trước tai, viêm họng, sốt nhẹ và mỏi mệt.
* Đặc điểm của dịch đau mắt đỏ?
- Bệnh do vi-rút gây nên, lây tương đối nhanh. Đa số trường hợp bệnh tự hết sau 7 đến 14 ngày không cần điều trị. Thị lực không giảm hoặc giảm ít. Một số trường hợp bệnh có thể có biến chứng viêm tại tròng đen gây suy giảm thị lực. Phương tiện lây bệnh là nước mắt hoặc dịch hầu họng của người bệnh đau mắt đỏ.
* Cần chăm sóc mắt như thế nào khi nhiễm bệnh?
- Đến khám tại bác sĩ chuyên khoa khi có triệu chứng và dùng thuốc theo toa. Làm sạch ghèn trước khi nhỏ thuốc bằng nước muối NaCl 0,9%. Rửa tay trước và sau khi rửa/nhỏ mắt. Dùng bông gòn loại dùng một lần lau mắt, không dùng khăn. Chườm lạnh sẽ giúp giảm sưng và mang lại cảm giác dễ chịu. Đeo kính mát bảo vệ mắt và nên vệ sinh kính mỗi ngày. Cách ly người bệnh ít nhất 7 ngày.
* Có biện pháp nào phòng ngừa bệnh đau mắt đỏ?
- Hiện bệnh đau mắt đỏ chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Cho nên, điều trị phần lớn các trường hợp vẫn là theo dõi và sử dụng thuốc nhỏ có kháng sinh. Do đó, người dân cần phòng ngừa bệnh như: rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Vệ sinh những vật dụng như: nắm tay cửa, điện thoại, bàn phím, chăn - gối, khăn… khi người bệnh có tiếp xúc. Người bệnh nên đeo khẩu trang nếu có triệu chứng hô hấp vì bệnh lây truyền khi ho hoặc nhảy mũi. Hạn chế đi học, đi làm khi mắt còn đỏ và chảy nước mắt (ít nhất 7 ngày). Nếu có những dấu hiệu bệnh nên sớm đi khám và tuân thủ theo dõi, điều trị ở cơ sở y tế có chuyên khoa mắt.
* Bệnh nhân đau mắt đỏ cần lưu ý những gì?
- Người bệnh không tự điều trịbằng các cách thức như: xông hơi lá trầu, nặn chanh, đắp lá cây, lá nha đam, đắp thuốc, giã thịt ếch nhái, côn trùng, mật gấu, nước tiểu, sữa mẹ… vì có thể làm mắt bệnh bị nặng hơn.
Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc nhỏ mắt chứa corticoid (dexamethasone) khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Chưa có thuốc nhỏ ngừa bệnh.
* Xin cảm ơn bác sĩ Lâm Đức Thiện!
Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ ngày 11 đến 15-9-2023, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 1.258 ca đau mắt đỏ ở 97 cơ sở giáo dục. Chỉ riêng trong ngày 15-9-2023, có đến 792 ca. Dự kiến trong thời gian sắp tới, dịch đau mắt đỏ có nguy cơ bùng phát trên diện rộng tại hầu hết các cơ sở giáo dục và khả năng cũng sẽ xuất hiện tại các khu công nghiệp. |
Thạch Thảo (thực hiện)