BDK.VN - Ngày 9-4-2025, Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2025. Đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh; Ban Chỉ đạo liên ngành ATVSTP huyện, thành phố và diện lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện, thành phố tham dự.
“Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2025, với chủ đề “Bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó chú trọng an toàn thực phẩm (ATTP) bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố”. Lễ phát động “Tháng hành động vì ATTP” năm 2025, tại TP. Bến Tre diễn ra lúc 7 giờ, ngày 17-4-2025; tại các huyện diễn ra từ ngày 17 đến 20-4-2025.
Đối tượng ưu tiên truyền thông là chính quyền các cấp, các cơ quan tham gia quản lý ATTP, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội và người tiêu dùng.
Chính quyền các cấp nêu cao vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP; xác định công tác lãnh đạo, chỉ đạo bảo đảm ATTP là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm về công tác đảm bảo ATTP theo nhiệm vụ được giao trên địa bàn quản lý, theo lĩnh vực phụ trách.
Đẩy mạnh tuyên truyền quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP, hành vi vi phạm, mức phạt. Công khai các cơ sở, cá nhân bị phạt vi phạm hành chính về ATTP, nhằm cảnh cáo, răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm trái pháp luật.
Các đơn vị sản xuất, kinh doanh, chế biến, tiêu thụ thực phẩm trên địa bàn phải có trách nhiệm và uy tín bảo đảm ATTP để phục vụ đời sống của nhân dân.
Mọi người dân có quyền được sử dụng thực phẩm an toàn và có nghĩa vụ bảo đảm ATTP. Người tiêu dùng hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ trong đảm bảo ATTP; quyền khiếu nại, trách nhiệm khai báo, tố giác các hành vi vi phạm an ninh, ATTP; kiên quyết tẩy chay các sản phẩm không đảm bảo ATTP.
Người tiêu dùng hình thành thói quen từ chối các cơ sở, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo ATTP; không tiêu thụ những sản phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, không an toàn hoặc có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng; khai báo khi bị ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.
Thành lập đoàn kiểm tra liên ngành trong tháng hành động vì ATTP, gồm: Đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh; 9 đoàn kiểm tra liên ngành cấp huyện, thành phố; 148 đoàn kiểm tra liên ngành xã, phường.
Ban Chỉ đạo liên ngành ATVSTP các cấp tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra trực tiếp tại cơ sở thực phẩm. Đối tượng kiểm tra là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Trong đó, tập trung vào các bếp ăn tập thể khu công nghiệp, bếp ăn tập thể trường học, cơ sở chuyên cung cấp nguyên liệu thực phẩm, các lò giết mổ, cơ sở sản xuất nước đá theo phân cấp quản lý.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Công an tỉnh, Chi cục Quản lý thị trường, Trung tâm Y tế TP. Bến Tre đã trình bày tham luận: “Vai trò của Công an tỉnh đối với công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh”, “Vai trò của Quản lý thị trường trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong tình hình mới”, “Thực trạng công tác quản lý an toàn thực phẩm đối với loại hình dịch vụ ăn uống và đề xuất phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới”.
Đại biểu nêu ý kiến liên quan đến Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), tới đây, bỏ cấp huyện nên cấp xã cần làm tốt việc thống kê theo dõi hộ sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực nông nghiệp, công thương, y tế để triển khai văn bản liên quan, đảm bảo ATTP. Cần quản lý chặt chẽ hơn thực phẩm bảo vệ sức khỏe (thực phẩm chức năng); giám sát việc tự công bố chất lượng sản phẩm…
Phó giám đốc Sở Y tế Dương Thị Như Ngọc - Phó trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành ATVSTP tỉnh gợi ý thảo luận.
Phát biểu tại hội nghị, Phó giám đốc Sở Y tế Dương Thị Như Ngọc - Phó trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành ATVSTP tỉnh cho biết, năm 2024 công tác ATTP tiếp tục được quan tâm, tạo chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, ngộ độc rượu vẫn còn xảy ra rải rác, để lại hậu quả nặng nề.
Hướng tới, đặc biệt cao điểm “Tháng hành động vì ATTP” năm 2025 cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức cho chính quyền các cấp, các cơ quan tham gia quản lý ATTP, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội; các đơn vị sản xuất, kinh doanh, chế biến, tiêu thụ thực phẩm và người tiêu dùng. Các ngành hữu quan phối hợp thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, nguồn gốc sản phẩm, công bố tiêu chuẩn, kiểm tra ATTP, thủ công tự phát; đặc biệt, phòng ngừa hạn chế tối đa việc xảy ra ngộ độc rượu.
Kiểm tra các bếp ăn tập thể; giáo dục nâng cao ý thức cho học sinh khi mua sản phẩm trước trường học. Bên cạnh việc xử phạt, chế tài các cơ sở sản xuất, kinh doanh không đảm bảo ATTP, người dân cần ý thức trong chọn mua sản phẩm an toàn…