Xung quanh câu chuyện học trực tuyến, bài 1

Hỗ trợ tìm nguồn máy tính cho học sinh

11/10/2021 - 06:12

BDK - Theo số liệu thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), đến ngày 5-10-2021, toàn tỉnh có 10.994 học sinh - HS (tỷ lệ 5,55%) thuộc diện khó khăn chưa có thiết bị học trực tuyến. Trong đó, HS thuộc diện hộ nghèo 4.936 em, 6.054 HS thuộc diện hộ cận nghèo, 4 HS thuộc diện có hoàn cảnh khó khăn, là con trong gia đình có ba hoặc mẹ tử vong do dịch Covid-19 chưa có máy tính để học trực tuyến. Câu chuyện học trực tuyến, nhất là ở các cấp tiểu học, THCS, THPT đã đặt ra nhiều vấn đề không chỉ riêng ngành giáo dục mà toàn xã hội quan tâm.

Học sinh Trường THCS Phú Khánh được hỗ trợ thiết bị học trực tuyến. Ảnh: Phan Hân

Học sinh Trường THCS Phú Khánh được hỗ trợ thiết bị học trực tuyến. Ảnh: Phan Hân

Gánh nặng thiếu máy

Gia đình chị Nguyễn Thị Phụng, ở Ấp 3, xã Phú An Hòa, huyện Châu Thành cuộc sống phụ thuộc vào bán vé số và làm thuê. Chị có 4 người con, trong đó 3 con đang trong độ tuổi đi học. Hoàn cảnh gia đình nghèo càng khó khăn hơn do dịch Covid-19 vợ chồng chị đều không đi làm được. Việc học trực tuyến của các con chị Phụng chỉ trông cậy vào chiếc điện thoại duy nhất của mẹ. Các con chia nhau học xen kẽ. Nhà chị xin bắt nhờ wifi một người hàng xóm để kết nối mạng cho con học.

Hoàn cảnh như gia đình chị Phụng hiện không ít. Em Nguyễn Duy Điền, HS lớp 8/3 Trường THCS Thành Thới A, huyện Mỏ Cày Nam, có 4 anh chị em, gồm: chị gái đang học lớp 11, em gái học lớp 6 và em trai học lớp 3. Trừ em trai học lớp 3 học trên ti vi, ba chị em Duy Điền đều có nhu cầu sử dụng thiết bị học tập trực tuyến trong khi nhà chỉ có 1 chiếc điện thoại. Từ đầu năm học 2021-2022, để đảm bảo việc học trực tuyến, Duy Điền hàng ngày phải đến nhà người thân cách nhà em khoảng 3km để nhờ chiếc điện thoại học tập.

Riêng chị và em gái của Duy Điền phải thay ca nhau học. Hôm nào chị học thì em nghỉ và ngược lại. Chị Nguyễn Thị Hạnh, mẹ của Duy Điền tâm sự: “Mua một chiếc điện thoại hay cái máy tính là cả vấn đề. Nhà lo cơm ngày ba bữa đã vất vả, gặp dịch bệnh không ai thuê mướn, thu nhập bấp bênh. Thấy con không có điều kiện học tập bản thân làm mẹ rất xót, chỉ mong dịch bệnh yên ổn để bọn nhỏ đến trường học hành tốt hơn”.

Qua khảo sát một số trường vùng nông thôn, hầu như các em không có thiết bị học độc lập. Có trường hợp không có bất kỳ phương tiện để học trực tuyến, kể cả ti vi. Nhiều HS có phương tiện nhưng phải lệ thuộc của ba mẹ, anh chị trong gia đình. Do đó, việc học tập không đảm bảo xuyên suốt do người thân phải đi làm và sử dụng điện thoại. Thực tế còn cho thấy, không phải HS ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, gia đình khó khăn mới thiếu thiết bị học tập mà ngay cả tại đô thị, việc trang bị các thiết bị như điện thoại thông minh, máy tính bảng hoặc máy tính bàn có kết nối mạng, với mức chi phí từ 3 triệu đồng trở lên để con em học trực tuyến cũng là gánh nặng của nhiều gia đình…

Hỗ trợ thiết bị học tập

Thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc vận động thực hiện Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, tỉnh đã tổ chức vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân… hỗ trợ thiết bị học trực tuyến cho HS có điều kiện khó khăn, không có thiết bị học trực tuyến, nhằm giúp các em có điều kiện tiếp cận, không bỏ dở việc học trong thời gian học trực tuyến.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng chung của dịch Covid-19 nên nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn về tài chính nên việc vận động gặp khó khăn. Tính đến nay, tỉnh chỉ vận động được số tiền trên 3,2 tỷ đồng và 30 bộ máy tính, trị giá 300 triệu đồng. Hiện nay, tỉnh cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động các gia đình có HS không thuộc các diện khó khăn tự trang bị thiết bị học trực tuyến cho các em.

Với tinh thần “không để HS nào bị bỏ lại phía sau”, để đảm bảo hỗ trợ kịp thời cho các em HS có hoàn cảnh khó khăn sớm có điều kiện tham gia học trực tuyến trong thời gian chưa thể tổ chức việc dạy học trực tiếp tại trường, UBND tỉnh đã có công văn đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét phân bổ hỗ trợ thiết bị học trực tuyến cho 10.160 HS, giúp các em vượt qua khó khăn, sớm tiếp cận với việc học trong năm học 2021-2022.

Ngành giáo dục cấp huyện, thành phố cũng đã có những giải pháp nhằm chủ động hỗ trợ thiết bị học trực tuyến cho HS địa phương. Tại huyện Giồng Trôm, ngành giáo dục và đào tạo huyện đã có phương án cho các em như: sắp xếp cho HS đến học cùng bạn gần nhà, số khác thì sẽ tập trung vào trường học cùng thầy (thực hiện “5K”), không để em nào bỏ học vì thiếu điều kiện phương tiện. Tuy nhiên, đây là phương án trước mắt. Về lâu dài, cần có các nguồn hỗ trợ để tạo điều kiện cho tất cả các HS đều có phương tiện học tập.

Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Giồng Trôm Trần Thị Ngọc Trinh, toàn ngành GD&ĐT huyện đã ủng hộ mỗi người 1 ngày lương cho chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Sở GD&ĐT và Công đoàn ngành GD&ĐT phát động theo chủ trương của Chính phủ, góp phần trang bị máy tính cho các em HS có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện học tập.

Cùng chung tay hỗ trợ các em HS khó khăn, tổ chức Đoàn, Đội các cấp từ Trung ương đến địa phương đã tích cực vận động, trao tặng trang thiết bị học tập cho các em HS. Vừa qua, thông qua chương trình “Cùng em học trực tuyến”, Hội đồng Đội Trung ương đã trao tặng cho Bến Tre 10 máy tính bảng để HS học trực tuyến cùng 100 phần học phẩm, 20 suất học bổng, động viên các em sử dụng đúng mục đích thiết bị được tặng để học tập hiệu quả.

Chương trình “Sóng và máy tính cho em” của Thủ tướng Chính phủ nhằm kịp thời hỗ trợ cho các em HS có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thiết bị học trực tuyến với tinh thần “Đồng hành cùng các em vượt qua đại dịch Covid-19”. Hiện tỉnh đã kêu gọi ủng hộ kinh phí, máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh mới hoặc đã qua sử dụng (còn dùng được) để kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ các em có thể tham gia học tập. Hội Khuyến học các huyện, thành phố và nhiều sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh cùng tham gia thành viên Ban vận động góp sức trong thực hiện chương trình. Nhiều nhà mạng cũng hưởng ứng lời kêu gọi của tỉnh trong việc hỗ trợ cho các em HS học trực tuyến, đã có nhiều chương trình giảm giá các gói Wifi tạo điều kiện cho các em học trực tuyến trong năm học mới này.

Phan Hân - Thanh Đồng - Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN