Hòa giải tranh chấp trước khi tòa án thụ lý giải quyết

26/02/2023 - 17:49

Ông Nguyễn Văn Thông có nhu cầu tư vấn: Tôi tranh chấp ranh đất với ông B, hòa giải ở xã không thành. Sau đó hồ sơ được chuyển đến tòa án huyện giải quyết. Tôi nghe nói là tòa án phải hòa giải trước khi xét xử vụ án. Xin hỏi: Trường hợp nào thì tòa án phải hòa giải. Nếu hòa giải thành thì hiệu lực ra sao?

Thắc mắc của ông được luật sư Phạm Thị Kim Tuyến (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:

- Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV thông qua ngày 16-6-2020. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021.

Luật quy định: Hòa giải tại tòa án là hoạt động hòa giải do hòa giải viên (HGV) tiến hành trước khi tòa án thụ lý vụ việc dân sự, nhằm hỗ trợ các bên tham gia hòa giải thỏa thuận giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của luật. Đối thoại tại tòa án là hoạt động đối thoại do HGV tiến hành trước khi tòa án thụ lý vụ án hành chính, nhằm hỗ trợ các bên tham gia đối thoại thống nhất giải quyết khiếu kiện hành chính theo quy định của luật.

Luật còn quy định về quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia hòa giải, đối thoại như: đồng ý hoặc từ chối tham gia hòa giải, đối thoại hoặc chấm dứt hòa giải, đối thoại; lựa chọn HGV trong danh sách HGV của tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính; đề nghị thay đổi HGV theo quy định của luật.

Luật cũng quy định, các bên tham gia hòa giải có quyền được đề xuất phương thức giải quyết tranh chấp, khiếu kiện và thống nhất về nội dung hòa giải, đối thoại; yêu cầu tòa án công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành; yêu cầu bên có nghĩa vụ thực hiện các nội dung đã hòa giải, đối thoại thành.

Trên cơ sở quy định của luật như nêu trên, do tranh chấp ranh đất giữa ông với ông B là tranh chấp dân sự về lĩnh vực đất đai, nên thuộc trường hợp được áp dụng quy định hòa giải tại tòa án để giải quyết. Hoạt động hòa giải được tiến hành sau khi có đơn khởi kiện của ông tại tòa án, nhưng phải trước khi tòa án thụ lý vụ án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Đồng thời, phải được sự đồng ý tham gia hòa giải tại tòa án của hai bên (ông và ông B).

Nếu hòa giải thành thì HGV sẽ thực hiện thủ tục ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành tại tòa án, bảo đảm các điều kiện công nhận kết quả hòa giải thành theo quy định tại Điều 32, Điều 33 Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án.

Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành tại tòa án có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ký và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự và được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, theo quy định tại Điều 35 của luật này.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 36, Điều 37 của luật thì quyết định công nhận kết quả hòa giải thành có thể bị xem xét lại theo đề nghị của các bên, người đại diện hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến quyết định của tòa án, kiến nghị của Viện Kiểm sát nhân dân (nếu có căn cứ cho rằng nội dung thỏa thuận, thống nhất của các bên vi phạm một trong các điều kiện quy định tại Điều 33 của luật này).

Theo luật quy định, thời hạn để các bên đề nghị và Viện Kiểm sát nhân dân kiến nghị là 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định.

H.Trâm (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN