Hoạt động của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở Bến Tre

11/12/2020 - 07:04

BDK - Hội thảo chủ đề “Hoạt động và ảnh hưởng của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở Bến Tre” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Huyện ủy Mỏ Cày Nam và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh tổ chức tại chùa Tuyên Linh, thuộc xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày Nam vào ngày 15-12-2020, nhân kỷ niệm 91 năm Ngày mất của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (27-11-1929 - 27-11-2020) và khánh thành Khu lưu niệm Nguyễn Sinh Sắc tại chùa Tuyên Linh. Hội thảo có 36 tham luận tham gia xung quanh chủ đề trên. Báo Đồng Khởi xin lược giới thiệu một số bài tiêu biểu.

Khu lưu niệm Nguyễn Sinh Sắc đang được xây dựng cạnh chùa Tuyên Linh, xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày Nam. Ảnh: Hữu Hiệp

Khu lưu niệm Nguyễn Sinh Sắc đang được xây dựng cạnh chùa Tuyên Linh, xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày Nam. Ảnh: Hữu Hiệp

Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là một nhà nho yêu nước tiến bộ, có nhân cách sống cao đẹp, một tấm gương sáng về lòng yêu nước, thương dân. Vào ngày 19-5-1910, Hội đồng Nhiếp chính triều đình Huế đã thải hồi cụ Nguyễn Sinh Sắc do cụ xử phạt tên cường hào Tạ Đức Quang luôn dựa vào thế lực để hà hiếp dân lành. Đây là điều kiện thuận lợi để cụ rời chốn quan trường, chu du khắp vùng đất Nam Bộ để truyền bá tư tưởng yêu nước, cứu nguy dân tộc mà sinh thời cụ thường nói: “Quan trường thị nô lệ trung chi nô lệ, hựu nô lệ”, nghĩa là “Quan trường là nô lệ trong đám nô lệ, càng nô lệ hơn”.

Đặc biệt, vào khoảng cuối năm 1926, trên đường truyền bá tư tưởng yêu nước, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã cùng một vị cao tăng của chùa Từ Đàm ở Huế ghé lại và tá túc tại chùa Tuyên Linh. Được sự bảo bọc, giúp đỡ của Hòa thượng Lê Khánh Hòa, một vị cao tăng tinh thông về Phật học, trụ trì tại chùa, cụ Phó bảng đã mở lớp dạy học, xem mạch, bốc thuốc chữa bệnh cho nhân dân trong vùng và nhiều địa phương lân cận. Tại đây, cụ đã gặp gỡ các ông: Trần Văn An, Huỳnh Khắc Mẫn, Lê Văn Phát… để bàn “quốc sự”. Sau này, họ trở thành những người chiến sĩ cộng sản kiên trung - thế hệ chiến sĩ cộng sản đầu tiên của tỉnh Bến Tre, là một trong những đảng viên Cộng sản vận động và thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Bến Tre. Chùa Tuyên Linh đã trở thành điểm hội tụ của các tổ chức và lực lượng yêu nước, là nơi tập hợp bổn đạo, quần chúng yêu nước và những người có chí hướng để tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước, vận động mọi lực lượng đứng lên đấu tranh giành độc lập, góp phần không nhỏ vào việc xây dựng lực lượng cách mạng nòng cốt cho huyện Mỏ Cày nói riêng và tỉnh Bến Tre nói chung.

Chùa Tuyên Linh được xây dựng vào năm Tân Dậu 1861, dưới triều Tự Đức năm thứ 14, do Hòa thượng Khánh Phong trụ trì. Đến năm 1907, nhà sư Lê Khánh Hòa, quê ở xã Phú Lễ, huyện Ba Tri, vốn là một vị cao tăng tinh thông Phật học, về trụ trì tại chùa. Tại đây, Hòa thượng Lê Khánh Hòa đã mở mang việc thuyết giảng giáo lý nhà Phật, đào tạo môn sinh. Nhờ hiểu rộng, đi nhiều nơi, có vốn nho học, lại biết cả chữ quốc ngữ, nên ông được tín đồ, các cư sĩ Phật giáo tín nhiệm. Sự gặp gỡ giữa Hòa thượng Khánh Hòa và cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc tại chùa Tuyên Linh mang nhiều giá trị và có ý nghĩa lớn. Đó là sự tâm giao giữa hai bậc trí thức ưu thời mẫn thế trong cảnh nước mất nhà tan, sự gặp gỡ giữa hai con người đang nung nấu nhiều nhiệt huyết nhằm đóng góp cho quê hương, đất nước đang bị kẻ thù cai trị và đạo pháp trong buổi suy tàn, sự tương thông giữa một nhà sư uyên thâm Phật pháp và một nhà nho từng đỗ đạt khoa bảng. Thời gian lưu lại chùa mặc dù không lâu, nhưng những hoạt động của cụ Phó bảng đã góp phần gieo những hạt mầm cách mạng đầu tiên cho nhân dân nơi đây.

Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa là cơ sở nuôi giấu cán bộ, từng là căn cứ để Huyện ủy Mỏ Cày, Tỉnh ủy Bến Tre lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa phương. Với bề dày lịch sử, văn hóa, chùa Tuyên Linh được Đảng và Nhà nước công nhận di tích lịch sử - văn hóa quốc gia vào năm 1994. Đảng bộ và nhân dân Mỏ Cày (nay là Mỏ Cày Nam) rất vinh dự và tự hào khi cụ Nguyễn Sinh Sắc chọn vùng đất Mỏ Cày, chùa Tuyên Linh để làm nơi hoạt động yêu nước. Lòng yêu nước, nhân cách, nghĩa cử cao đẹp, gần gũi, thân thương của cụ cùng với tinh thần Đồng khởi năm 1960 đã góp phần hun đúc, bồi đắp nên tinh thần, truyền thống tốt đẹp của con người Mỏ Cày, Bến Tre.

Trong những năm qua, lãnh đạo tỉnh, huyện, Giáo hội Phật giáo đã quan tâm trùng tu, tôn tạo, xây dựng Khu lưu niệm cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Những việc làm này đã thể hiện sự trân quý của thế hệ đi sau đối với bậc tiền nhân nói riêng và các giá trị văn hóa, lịch sử nói chung.

Nhằm sưu tầm, tập hợp những tài liệu, tư liệu, quá trình hoạt động và ảnh hưởng của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở Bến Tre, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh và Huyện ủy Mỏ Cày Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Hoạt động và ảnh hưởng của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở Bến Tre”. Đây là dịp để địa phương được đón tiếp quý đại biểu tới thăm, tìm hiểu thêm về vùng đất, con người Bến Tre nói chung và Mỏ Cày Nam nói riêng. Chúng tôi cho rằng, đây là việc làm thiết thực có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, vừa để tôn vinh những bậc tiền bối có công với quê hương, đất nước, vừa để làm bài học quý giá cho các thế hệ mai sau, đồng thời để bảo tồn, phát huy giá trị của di tích trong thời gian tớin

Nguyễn Thị Hồng Nhung - Bí thư Huyện ủy Mỏ Cày Nam

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN