Hội Chữ thập đỏ tỉnh phối hợp tổ chức khởi công cầu dân sinh tại xã Thành Thới B, huyện Mỏ Cày Nam. Ảnh: T. Thảo.
Người đặt nền móng
Kỷ niệm 77 năm ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Việt Nam (23-11-1946 - 23-11-2023), Hội CTĐ Việt Nam đã vinh dự, tự hào là tổ chức xã hội nhân đạo của quần chúng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và làm Chủ tịch danh dự đầu tiên.
Cách mạng tháng 8-1945 thành công, chính quyền cách mạng còn non trẻ và đứng trước tình thế hiểm nghèo. Đế quốc, thực dân lại rắp tâm gây chiến hòng bắt dân ta trở lại cuộc đời nô lệ. Chính trong những ngày sục sôi khí thế cách mạng ấy, một số nhân sĩ, trí thức yêu nước đứng ra vận động và xin phép thành lập Ban Hồng thập tự Việt Nam (tổ chức tiền thân của Hội CTĐ Việt Nam ngày nay).
Ngày 23-11-1946, tại Đại hội đại biểu Hồng thập tự Việt Nam lần thứ nhất diễn ra tại Đình làng Thanh Ấm, thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, Hà Tây (nay là Hà Nội), Hội Hồng thập tự Việt Nam chính thức được thành lập. Đại hội suy tôn Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch danh dự của Hội và Người là Chủ tịch danh dự của Hội trong suốt 23 năm từ ngày thành lập Hội tới khi Người qua đời. Bác sĩ Vũ Đình Tụng được bầu làm Hội trưởng.
Sự ra đời của Hội Hồng thập tự Việt Nam đã đáp ứng yêu cầu góp phần chăm sóc sức khỏe và đời sống nhân dân, kịp thời phục vụ cho công cuộc toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp, bước đầu đặt nền tảng cho quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực nhân đạo. Kể từ đó, ngày 23-11-1946 đã đi vào lịch sử của Hội CTĐ Việt Nam như một mốc son đánh dấu sự ra đời của một tổ chức xã hội nhân đạo của quần chúng, do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và làm Chủ tịch danh dự đầu tiên. Đây là niềm vinh dự lớn lao đối với cán bộ, hội viên, thanh, thiếu niên, tình nguyện viên CTĐ Việt Nam mà không phải tổ chức nào cũng có được.
Cống hiến của Hội
Ngay sau khi thành lập, hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch, hầu hết các hội viên Hồng thập tự đã tích cực tham gia phục vụ tại các mặt trận, tổ chức các trạm cấp cứu, bệnh viện dã chiến, bệnh viện hậu phương. Cũng trong thời gian này, Hội Hồng thập tự Việt Nam phối hợp với Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế tiến hành các hoạt động trao trả tù binh chiến tranh theo đúng tinh thần Luật Nhân đạo quốc tế, góp phần thực hiện chính sách nhân đạo của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Hồng thập tự Việt Nam lần thứ III tổ chức ngày 15 và 16-12-1965. Theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Chủ tịch danh dự của Hội, Đại hội đã nhất trí đổi tên Hội Hồng thập tự Việt Nam thành Hội CTĐ Việt Nam. Bác sĩ Vũ Đình Tụng tiếp tục giữ chức Chủ tịch Hội.
Từ năm 1955 - 1975, Hội hoạt động trong bối cảnh cả nước tập trung cho hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sau năm 1975, các cấp Hội tập trung chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ, tham gia cứu trợ, vận động quyên góp gạo giúp đỡ đồng bào thiên tai, tu sửa, xây mới cầu, tôn tạo đường làng ngõ xóm, sửa chữa phòng học, trạm y tế… Hội hợp tác với ngành y tế trong phòng bệnh vệ sinh, bảo vệ sức khỏe, trồng cây thuốc nam. Gần 8.000 tổ, đội, trạm cấp cứu được xây dựng ở nhiều địa phương, bắt đầu triển khai phong trào hiến máu nhân đạo.
Đến tháng 8-2001, Hội CTĐ Việt Nam đã phát triển tổ chức tại tất cả các tỉnh, thành phố với gần 14.000 tổ chức cơ sở Hội. Đến nay, toàn Hội hiện có hơn 7,2 triệu cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh, thiếu niên CTĐ hoạt động trên phạm vi toàn quốc, mỗi năm trợ giúp khoảng 18,3 triệu lượt người có hoàn cảnh khó khăn, người dễ bị tổn thương trong xã hội thông qua những phong trào, cuộc vận động lớn đã trở thành dấu ấn riêng của Hội như: Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” (nay là Phong trào “Tết nhân ái”), Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, “Tháng Nhân đạo”, Chương trình “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn”, Chương trình “Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật”, Dự án “Ngân hàng bò”.
Trải qua 77 năm hình thành và phát triển, với những đóng góp, cống hiến của lớp lớp cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên CTĐ, Hội CTĐ Việt Nam vinh dự được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
Tại tỉnh, hiện có 158 Hội cơ sở và tương đương (gồm 157 Hội CTĐ xã - phường - thị trấn và 1 trong trường cao đẳng), với 1.291 chi hội. Trong năm 2023, Hội cơ sở phát triển được 1.798/1.500 hội viên, đạt 119,9% chỉ tiêu Nghị quyết năm 2023. Hội tiếp tục duy trì cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” đạt kết quả tốt, các cấp Hội đã lập 1.018 hồ sơ địa chỉ nhân đạo, trợ giúp 1.005/1.018 hồ sơ, trị giá 3,6 tỷ đồng. Kết quả thực hiện chương trình “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn”, đã trao 1.000 bộ áo phao cứu sinh cho ngư dân 3 huyện Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú; triển khai xây dựng 46 căn nhà tình thương, 3 cầu nông thôn do nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vận động Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Công ty Xăng dầu Bến Tre tài trợ...
Tổng trị giá các hoạt động của Hội CTĐ tỉnh thực hiện trong năm 2023 là 94,16 tỷ đồng (trong đó cơ quan tỉnh Hội vận động 18 tỷ đồng), so cùng kỳ tăng 11,1 tỷ đồng. Tỷ suất hoạt động trung bình trong tỉnh đối với kinh phí ngân sách cao gấp 12 lần. Hiệu quả hoạt động của Hội đã giúp đỡ kịp thời cho 222.285 lượt người nghèo, nạn nhân chất độc da cam.
Ánh Nguyệt - Thạch Thảo