Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh.
Theo số liệu thống kê của Bộ Tư pháp, tính đến ngày 31-12-2019 cả nước có 96.605 tổ hòa giải với 600.462 hòa giải viên. Từ ngày 1-1-2014 đến 30-9-2019, các tổ hòa giải đã tiến hành hòa giải 875.573 vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn, vi phạm pháp luật, trong đó hòa giải thành 707.945 vụ việc, đạt tỷ lệ 80,6%.
Hội nghị đã dành nhiều thời gian phân tích, đánh giá kết quả đạt được, chưa được, những định hướng, giải pháp trong thời gian tới. Các đại biểu cho rằng, hoạt động hòa giải ở cơ sở là hoạt động mang tính xã hội tự quản, vì lợi ích cộng đồng, không hướng tới mục tiêu lợi nhuận. Sau khi hòa giải thành, mỗi bên đều được phổ biến kiến thức pháp luật liên quan nội dung tranh chấp, hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình, từ đó tự giác thực hiện nội dung thỏa thuận hòa giải thành. Như vậy, công tác hòa giải ở cơ sở đã góp phần phát huy quyền làm chủ, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân.
Thực trạng hoạt động hòa giải nói chung, hòa giải ở cơ sở nói riêng còn đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt dưới tác động của nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, các mâu thuẫn, tranh chấp đang gia tăng cả về số lượng và tính phức tạp của vụ việc. Sắp tới, đề nghị Ban Dân vận Trung ương chỉ đạo các cấp ủy, tiếp tục phát huy và nâng cao hơn nữa vai trò của công tác dân vận trong hoạt động hòa giải ở cơ sở. Huy động nguồn lực là cán bộ dân vận cấp cở sở hướng dẫn hòa giải viên về dân vận khéo trong quá trình hòa giải và trực tiếp tham gia làm hòa giải viên cơ sở. Ủy ban MTTQ Việt Nam phối hợp chặt chẽ với cơ quan tư pháp cùng cấp trong hòa giải cơ sở. Tòa án nhân dân tối cao phối hợp tổ chức có hiệu quả chương trình phối hợp giữa Tòa án, Bộ Tư pháp về phổ biến giáo dục pháp luật.
Tin, ảnh: H. Lam