BDK.VN - Ngày 18-12-2024, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Viện Nghiên cứu và Tư vấn phát triển vùng thuộc Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học “Kết quả Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo (ĐMST) tỉnh năm 2023 và đề xuất một số giải pháp nâng cao Bộ chỉ số ĐMST” thuộc đề tài “Nghiên cứu đánh giá thực trạng, tiềm năng và đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2026 - 2030”, do PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vinh làm chủ nhiệm.
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Nguyễn Quốc Bảo, Phó giám đốc Sở KH&CN Võ Văn Truyền, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vinh Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Tư vấn phát triển vùng chủ trì hội thảo. Đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh, doanh nghiệp (DN) tham dự.
Bộ chỉ số ĐMST cấp địa phương của Việt Nam (được gọi tắt là PII), có 52 chỉ số, chia làm 7 trụ cột. Theo kết quả tính toán chỉ số ĐMST năm 2023 của 63 tỉnh, thành cả nước, Bến Tre xếp hạng 28/63 cả nước, 5/13 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, với 37,65 điểm. Kết quả này đánh dấu một bước khởi đầu quan trọng nhưng cũng đặt ra những thách thức cho tỉnh trong việc nâng cao bộ chỉ số trong thời gian tiếp theo.
Để góp phần nâng cao bộchỉ số PII trong thời gian tới, đại biểu đã đề cập đến các giải pháp cụ thể như: Nâng cao tỷ lệ học sinh tham gia các cuộc thi nghiên cứu khoa học; nâng cao tỷ lệ DN khởi nghiệp sáng tạo; nâng cao tỷ lệ đào tạo và dạy nghề từ ngân sách địa phương; ưu tiên bố trí nguồn ngân sách chi KH&CN, từng bước nâng tỷ lệ chi cho KH&CN theo quy định (2% tổng chi ngân sách).
Đầu tư phát triển phấn đấu tăng tỉ lệ diện tích đất công nghiệp đã được xây dựng kết cấu hạ tầng của các khu công nghiệp (KCN) trên tổng diện tích đất công nghiệp theo quy hoạch của các KCN. Tăng tỉ lệ các dự án đầu tư đang sản xuất kinh doanh trong các KCN/tổng số DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Tham mưu ban hành các chủ trương, chính sách thúc đẩy chương trình tài chính vi mô, nhằm giúp các DN nhỏ, siêu nhỏ và người dân dễ dàng tiếp cận các nguồn tín dụng vi mô ở địa phương để phục vụ phát triển kinh tế.
Đại biểu tham gia ý kiến tại hội thảo.
Tham mưu ban hành các chính sách, chương trình phát triển KCN, cụm công nghiệp (CCN), CCN làng nghề, thu hút các dự án đầu tư, góp phần tăng tỉ lệ các dự án đầu tư trên tổng số DN đang hoạt động trên địa bàn. Rà soát, tham mưu chính sách phát triển dịch vụ logistics, góp phần nâng cao tỷ lệ các dự án đầu tư trong các CCN trên tổng số DN đang hoạt động trên địa bàn địa phương.
Tham mưu ban hành các chương trình, kế hoạch thúc đẩy, hỗ trợ kinh tế khu vực nông thôn thông qua các hoạt động khoa học, công nghệ và ĐMST, thúc đẩy phát triển nhanh số lượng sản phẩm OCOP/tổng số đơn vị hành chính cấp xã. Tiếp tục triển khai, thực hiện các chính sách KH&CN hỗ trợ DN, hợp tác xã.
Tăng cường hợp tác nghiên cứu giữa các Viện, Trường, tổ chức KH&CN và DN, nhằm nâng cao hiệu quả tỉ lệ chi cho khoa học và công nghệ từ ngân sách địa phương/GRDP(%). Tiếp tục ươm tạo nhằm tăng số DN KH&CN và DN đủ điều kiện là doanh nghiệp KH&CN/1 ngàn DN. Phối hợp, tạo điều kiện cho các DN tự đầu tư nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất, nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, tăng nguồn thu cho đơn vị.
Phó giám đốc Sở KH&CN Võ Văn Truyền đánh giá cao ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các DN và đội ngũ cán bộ quản lý tại địa phương đã cung cấp các luận cứ khoa học và thực tiễn. Qua đó, đề xuất các giải pháp, chính sách phát triển kinh tế - xã hội - môi trường tỉnh phục vụ cho văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025 - 2030.