Đại biểu và sinh viên tham dự hội thảo tại điểm cầu Phân hiệu Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh tại tỉnh Bến Tre.
Hội thảo do các đơn vị: Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh tế tuần hoàn Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Phân hiệu Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tại tỉnh Bến Tre, Đoàn cơ quan Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu và Câu lạc bộ Trí thức trẻ tỉnh Bến Tre phối hợp tổ chức.
Đây là một trong các hội thảo chuyên đề được tổ chức, nhằm hướng đến Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ 5 do Trung ương Đoàn tổ chức, dự kiến diễn ra trong tháng 11-2022 tại Bến Tre.
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến, với các điểm cầu tổ chức và có sự tham dự của hơn 50 đại biểu là trí thức các viện, trường, sinh viên các đơn vị.
Hội thảo có các tham luận: Kinh tế tuần hoàn trong bối cảnh kinh tế - xã hội Việt Nam hiện nay, Vai trò của kinh tế tuần hoàn trong phát triển ngành, lĩnh vực, vai trò của kinh tế tuần hoàn đối với ngành nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long, Đô thị tuần hoàn - trường hợp của TP. Phan Rang, Tháp Chàm và một số bài học kinh nghiệm quốc tế, Tiếp cận mô hình kinh tế tuần hoàn dựa trên ABM trong phát triển bền vững địa phương, phân tích trường hợp ngành dừa Bến Tre.
Theo Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14, kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Kinh tế tuần hoàn mang lại những lợi ích về kinh tế, môi trường và xã hội. Phát triển kinh tế tuần hoàn hiện đang được chú trọng và thể hiện cụ thể trong chủ trương của Đảng, chiến lược phát triển kinh tế, luật, chính sách phát triển các ngành cụ thể. Nhận thức và sự quan tâm của toàn xã hội đối với kinh tế tuần hoàn ngày càng gia tăng. Cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng đã có những chuyển biến sang sản xuất và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, giảm lãng phí tài nguyên.
Tại Bến Tre, nhận thức được yêu cầu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, tỉnh đã sớm triển khai nhiều giải pháp. Trong đó phát triển nông nghiệp hữu cơ và sản xuất công nghiệp ít phát thải gắn với bảo vệ môi trường hướng đến xây dựng Bến Tre xanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Tin, ảnh: Thanh Đồng