Năm 2016, chỉ số GII của Việt Nam xếp hạng thứ 59 trong
128 quốc gia, đứng vị trí thứ 3 nhóm các nước có cùng mức thu nhập thấp và thứ
11 ở khu vực (Đông Nam Á, Đông Á và Châu Đại Dương).
Nhằm tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện
môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng
đến năm 2020, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương “Chủ động tìm hiểu
phương pháp, cách tính toán và ý nghĩa của các chỉ số xếp hạng”, trong đó có chỉ
số GII là một trong những nội dung quy định tại Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP
ngày 6-2-2017 và đã được UBND tỉnh cụ thể hóa bằng Kế hoạch số 874/KH-UBND ngày
8-3-2017. Theo đó, Bộ chỉ số GII là bảng xếp hạng năng lực của các quốc gia
trên thế giới về ĐMST do Đại học Cornell (Mỹ) kết hợp với Đại học ISEAD (Pháp)
và Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO ban hành để đo lường ĐMST dựa trên các
tiêu chí như thể chế, nguồn nhân lực và nghiên cứu, cơ sở hạ tầng, tín dụng, đầu
tư, các mối liên kết ĐMST, việc tạo ra tri thức và các sản phẩm sáng tạo, cũng
như việc hấp thụ, lan tỏa tri thức và các sản phẩm sáng tạo. Có 4 chỉ số chính
được tính toán đo đạc, gồm:
- Chỉ số phụ đầu vào của ĐMST với 5 trụ cột đầu vào phản
ánh những yếu tố trong nền kinh tế tạo điều kiện cho hoạt động ĐMST như: thể chế,
nguồn nhân lực và nghiên cứu, cơ sở hạ tầng, mức độ phát triển của thị trường
và mức độ phát triển kinh doanh.
- Chỉ số phụ đầu ra của ĐMST với 2 trụ cột chính là kết
quả của các hoạt động ĐMST trong nền kinh tế: sản phẩm tri thức và công nghệ và
sản phẩm sáng tạo.
- Điểm GII tổng hợp là trung bình cộng đơn giản của chỉ số
đầu vào và chỉ số đầu ra.
- Tỷ lệ hiệu quả ĐMST là tỷ lệ giữa chỉ số đầu ra trên chỉ
số đầu vào. Tỷ lệ này cho biết một quốc gia tạo ra bao nhiêu đầu ra ĐMST ứng với
số đầu vào ĐMST của quốc gia đó.
Trong tổng số 82 chỉ số của Bộ chỉ số GII có 24 chỉ số
ĐMST có liên quan đến lĩnh vực KH&CN của Trung ương và địa phương được
ngành KH&CN tỉnh triển khai thực hiện. Hơn 3 tháng qua, đã có 5/24 chỉ số
được tính điểm, chiếm 20,83% so với tổng số chỉ số thuộc trách nhiệm thực hiện
của sở với kết quả như sau:
- Chỉ số đầu tiên đạt điểm cho tỉnh là số chứng chỉ ISO
14001:2015 được chứng nhận cho một hệ thống quản lý chất lượng môi trường trên
mỗi tỷ đô-la Mỹ của tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tính theo sức mua tương đương
đã được cấp cho Công ty TNHH Kỹ thuật Dừa (số thứ tự 30).
- Chỉ số phần chi cho nghiên cứu khoa học và phát triển
công nghệ do doanh nghiệp thực hiện ước khoảng 47,2/134,55 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ
35,08% so với tổng chi phí đầu tư của toàn xã hội cho nghiên cứu khoa học và
phát triển công nghệ (44).
- Có 1 đơn đăng ký sáng chế đang trong giai đoạn hoàn
thành hồ sơ đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ (56). Số chứng chỉ ISO
9001:2015 (64) đã được cấp 1 chứng chỉ. Số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu nộp tại
Cục Sở hữu trí tuệ là 1 đơn (70).
Mặt khác, để khắc phục tình trạng 19 chỉ số của ngành
KH&CN chưa có điểm và 77 chỉ số ĐMST thuộc trách nhiệm của các sở, ngành
khác chưa được đề cập, thời gian tới, Sở KH&CN sẽ tổ chức triển khai, phổ
biến và hướng dẫn về các chỉ số ĐMST theo Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP của Chính
phủ.
Với những nỗ lực đó, Sở KH&CN Bến Tre nói riêng, tỉnh
nhà và cả nước nói chung sẽ vượt qua thách thức, hoàn thành nhiệm vụ thực hiện
Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP của Chính phủ, góp phần cải thiện vị trí thứ hạng
GII của quốc gia.