Khắc phục ảnh hưởng do triều cường tại huyện Thạnh Phú

11/02/2024 - 19:41

BDK.VN - Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Thạnh Phú, đêm ngày 10 rạng sáng 11-2-2024 (nhằm đêm mùng 1, rạng sáng mùng 2 tháng Giêng), triều cường kết hợp với gió mạnh, sóng lớn gây thiệt hại về người và tài sản trên địa bàn xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú.

Sạt lở bờ biển khu vực xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú.

Sạt lở bờ biển khu vực xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú.

Cụ thể, triều cường dâng cao kết hợp với sóng to, gió mạnh trên biển gây sóng lớn làm sụp lún mái ta-luy và thân bờ kè bảo vệ Khu di tích đường Hồ Chí Minh trên biển với chiều dài khoảng 40m dẫn đến nước tràn qua bờ kè ảnh hưởng đến đất sản xuất của người dân và ngập rừng dương cặp tường rào của khu di tích. Gây sạt lở khoảng 70m bờ cát chắn sóng thuộc ấp Thạnh Thới B, xã Thạnh Hải, dẫn đến nước biển tràn vào gây ảnh hưởng khoảng 29,6ha đất trồng hoa màu của người dân, gồm dưa hấu khoảng 28,075ha; sắn khoảng 0,03ha; bắp khoảng 0,125ha. Làm 2 căn nhà hư hỏng một số đồ dùng do nước ngập.

Ghi nhận 1 trường hợp bé trai sinh năm 2019 ngụ xã Tân Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre mất tích trong quá trình đi ăn uống cùng gia đình tại bờ biển thuộc ấp Thạnh Hải, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú. Theo nhận định của chính quyền địa phương, nguyên nhân do bé rơi xuống biển trong quá trình vui chơi.

Để khắc phục tình hình trên, sáng 11-2-2024, lãnh đạo UBND huyện Thạnh Phú cùng các ngành huyện có liên quan đã đến hiện trường để thăm hỏi, động viên người nhà có cháu bé bị mất tích, đồng thời khảo sát vị trí sạt lở. Hiện tại địa phương đang huy động lực lượng tại chỗ (Bộ đội Biên phòng, lực lượng địa phương, người dân...) tiếp tục tìm kiếm nạn nhân.

Ông Nguyễn Quang Thương - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, dự báo tình hình thiên tai trong thời gian tới tiếp tục diễn biến phức tạp. Nhằm hạn chế thiệt hại, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề nghị các địa phương đặc biệt là các địa phương ven sông, ven biển quan tâm, thực hiện một số nội dung sau: Huy động lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” để hỗ trợ người dân xử lý, khắc phục các vị trí sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở không để nước biển tràn, gây vỡ bờ bao, bờ kè. Lưu ý, hỗ trợ những hộ dân bị ngập hoặc có nguy cơ bị ngập kê kích, di dời tài sản; di chuyển vật nuôi, hạn chế thiệt hại; sơ tán kịp thời đến nơi ở an toàn. Đối với sự cố công trình, đề nghị địa phương có biện pháp gia cố, xử lý tạm thời; thực hiện cắm biển cảnh báo; khoanh vùng khu vực đã, đang và nguy cơ sạt lở nhằm đảm bảo an toàn công trình.

Tổ chức kiểm tra, rà soát các vị trí xung yếu, kịp thời gia cố, tôn cao hệ thống đê bao, bờ bao để chủ động ứng phó triều cường, sóng to; thông tin kịp thời về diễn biến, tình hình thiên tai đến người dân và khuyến cáo các biện pháp đảm bảo an toàn đặc biệt tại các khu vực có đông khách du lịch, tránh trường hợp tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Theo số liệu quan trắc của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre, mực nước đỉnh triều đo được tại các trạm đến 7 giờ ngày 11-2-2024, cụ thể: tại trạm Chợ Lách 191cm (thấp hơn triều lịch sử 18cm), tại trạm Mỹ Hóa 181cm (thấp hơn triều lịch sử 15cm), tại trạm An Thuận 179cm (thấp hơn triều lịch sử 18cm), tại trạm Bình Đại 179cm (thấp hơn triều lịch sử 17cm), tại trạm Bến Trại 186cm (thấp hơn triều lịch sử 18cm). Dự báo triều cường đạt đỉnh trong thời gian từ ngày 11, 12-2-2024, sau đó xuống dần.

Tin, ảnh: Thu Huyền

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN