Thực hiện Chiến lược biển việt nam đến năm 2020, bài 2:

Khai thác bền vững tài nguyên, môi trường vùng bờ biển

05/10/2018 - 07:20

BDK - Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, trong 10 năm qua, bên cạnh phát triển kinh tế biển, tỉnh đã quan tâm lập quy hoạch tổng thể việc khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên, môi trường vùng bờ biển tỉnh.

Ngư dân vận chuyển hải sản lên bờ tại cảng cá Bình Thắng. Ảnh: P. Tuyết

Ngư dân vận chuyển hải sản lên bờ tại cảng cá Bình Thắng. Ảnh: P. Tuyết

Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 9-2-2007 “Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, Tỉnh ủy Bến Tre đã ban hành Chương trình hành động số 11-CTr/TU ngày 19-4-2007, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2898 ngày 18-7-2008 để tổ chức thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Dương Vĩnh Thịnh - Chi cục trưởng Chi cục Biển và hải đảo Sở Tài nguyên và Môi trường: Trong 10 năm qua, cơ cấu kinh tế nông - lâm - thủy sản đã có sự chuyển dịch với tỷ trọng gia tăng. Khai thác, đánh bắt, chế biến thủy sản đã phát triển mạnh, nhất là đội tàu đánh bắt xa bờ đã gia tăng số lượng phương tiện đáng kể so với trước đây. Đời sống dân cư vùng ven biển từng bước đã được nâng lên. Tình hình quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội tại 3 huyện ven biển ổn định, khu vực phòng thủ biên giới biển vững chắc, chủ quyền quốc gia trên biển luôn được giữ vững. Tỉnh thường xuyên tổ chức diễn tập phòng thủ cấp tỉnh, triển khai thực hiện quy chế phối hợp giải quyết các vấn đề trên biển; chủ động phối hợp lực lượng biên phòng các tỉnh lân cận kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan.

Song song đó, tỉnh đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phát triển kinh tế biển, kêu gọi đầu tư, thực hiện nhiều chủ trương chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế 3 huyện ven biển. Thời gian qua, kinh tế 3 huyện ven biển phát triển nhanh hơn các huyện còn lại của tỉnh. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại 3 huyện ven biển đã được quy hoạch; hệ thống giao thông 3 huyện ven biển được tập trung đầu tư hiệu quả, nhất các hệ thống các cầu trên các tỉnh lộ thuộc 3 huyện đã được đầu tư mới, không còn cầu tạm. Tỉnh tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kêu gọi đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp; đầu tư năng lượng điện gió tại 3 huyện ven biển để phát triển năng lượng sạch của tỉnh trong thời gian tới.

Quản lý, khai thác theo hướng bền vững

Hai dự án phục vụ nhiệm vụ quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đã được Chi cục Biển và Hải đảo triển khai. Đó là dự án: “Phân vùng chức năng đới bờ tỉnh Bến Tre” và “Thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Bến Tre”. Trong đó, dự án “Thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Bến Tre” đã triển khai và đang trong giai đoạn lấy ý kiến cộng đồng về các khu vực cần thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển. Theo Chi cục trưởng Chi cục Biển và Hải đảo Dương Vĩnh Thịnh, việc thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển nhằm quản lý, quy hoạch, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển; bảo vệ được đất đai ven biển, hệ sinh thái và duy trì giá trị dịch vụ của hệ sinh thái, quan trọng giảm thiểu sạt lở bờ biển, giúp ứng phó biến đổi khí hậu nước biển dâng.

Bên cạnh đó, các sở, ngành, Biên phòng tỉnh phối hợp với các tỉnh có chung đường ranh giới biển xác định ranh giới và thành lập bản đồ ranh giới biển giữa các tỉnh Bến Tre - Trà Vinh, Bến Tre - Tiền Giang tổ chức khảo sát, đo đạc lập bản đồ địa chính đối với các cồn mới nổi ven biển để xác lập cơ sở pháp lý đưa vào quản lý nhằm phát triển tiềm năng kinh tế biển của tỉnh. Đến nay, tỉnh đã xác định pháp lý diện tích của 8 cồn nổi xa bờ trên vùng biển tỉnh thuộc 3 huyện: Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú. Hướng tới, tỉnh tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản trên các cồn nổi xa bờ, góp phần phát triển kinh tế thủy sản.

Thời gian qua, tỉnh chú trọng thực hiện tuyên truyền về biển, đảo sâu rộng trong nhân dân về mục đích, ý nghĩa, nội dung của Luật Biên giới quốc gia; Luật Biển Việt Nam; Nghị định số 161/2013/NĐ-CP của Chính phủ về Quy chế khu vực biên giới biển; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Nghị định số 71/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới biển, tình hình Biển Đông và các vấn đề liên quan đến việc bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Theo đó, các cấp, các ngành, các địa phương và cộng đồng dân cư vùng ven biển quan tâm thực hiện nhằm theo dõi và có biện pháp xử lý kịp thời đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường biển. Lồng ghép tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng trong các hoạt động tình nguyện nhân Ngày Môi trường thế giới, Ngày Đại dương thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Chiến dịch “Hãy làm sạch biển”…

Ngân sách nhà nước ưu tiên đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, ươm cây giống; bảo vệ rừng, trồng rừng phòng hộ; ưu tiên bảo vệ nguồn lợi và sinh kế truyền thống địa phương; bảo tồn, khai thác hợp lý kết hợp cải thiện, phục hồi đất ngập nước; quy hoạch các vùng rừng ngập mặn; tránh các hoạt động tác động đến sinh cảnh rừng ngập mặn và hệ thống thủy văn. Trong khai thác, tổ chức kiểm soát chặt chẽ phương tiện và thuyền viên xuất, nhập bến, kiên quyết không cho ra khơi đối với các phương tiện không có đầy đủ giấy tờ, không có giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện để đảm bảo an toàn hàng hải.

Việc quan tâm quy hoạch và tăng cường quản lý tổng hợp vùng bờ từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh, cũng như góp phần thực hiện thành công Chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam đến năm 2020,  tầm nhìn đến năm 2030 tại Quyết định phê duyệt số 2295 của Thủ tướng Chính phủ.

“10 năm qua, tỉnh đã triển khai các chương trình, nghị quyết về phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững. Lồng ghép thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển, khai thác có hiệu quả tiềm năng kinh tế biển. Qua đó, tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của kinh tế biển, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng văn biển nói riêng và của tỉnh nói chung, gắn với giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng và an ninh biên giới biển. Khu vực phòng thủ biên giới biển vững chắc, chủ quyền quốc gia trên biển luôn được giữ vững.

Tỉnh đã triển khai thực hiện 2 dự án: dự án “Phân vùng chức năng đới bờ tỉnh Bến Tre” và dự án “Thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Bến Tre” làm cơ sở cho việc phân vùng chức năng quy hoạch vùng biển của tỉnh, bảo vệ hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên của vùng bờ, giảm thiểu sạt lỡ bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đảm bảo quyền tiếp cận của người dân với biển”.

(Ông Dương Vĩnh Thịnh - Chi cục trưởng Chi cục Biển và hải đảo Sở Tài nguyên và Môi trường)

P.Tuyết - PH. Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN