Khám phá những ngôi nhà thép - cột mốc chủ quyền trên biển (kỳ cuối)

13/01/2024 - 20:16

BDK.VN - Hiện tại, 15 cột mốc chủ quyền với kết cấu bằng thép, đóng trên các bãi cạn san hô, do CB, CS Tiểu đoàn DK1, Vùng 2 Hải quân chốt giữ, được phân thành 6 cụm và 1 bãi cạn gồm: Phúc Tần 4 nhà (DK1/2, DK1/16, K1/17, DK1/18); Tư Chính 3 nhà (DK1/11, DK1/12, DK1/14); Ba Kè 3 nhà (DK1/9, DK1/20, DK1/21); Quế Đường 2 nhà (DK1/8, DK1/19); Phúc Nguyên 1 nhà (DK1/15), Huyền Trân 1 nhà (DK1/7) và Bãi cạn Cà Mau 1 nhà (DK1/10).

Gói bánh chưng Tết trên nhà giàn DK1.10.

Gói bánh chưng Tết trên nhà giàn DK1.10.

Những cột mốc chủ quyền vững chắc trên biển

Cụm Phúc Tần, là nơi được tiến hành lắp đặt xong nhà giàn đầu tiên, cách Vũng Tàu khoảng 253,5M về phía Tây Bắc, bãi Phúc Tần có độ sâu khoảng từ 15,5m đến 200m, chiều dài khoảng 28km, chiều rộng nhất khoảng 26km. Bãi được đặt tên theo tên của Nguyễn Phúc Tần - người có công giúp nhà Nguyễn mở rộng đất đai ra phía Bắc.

Cụm Ba Kè được xây dựng trên bãi đá ngầm Ba Kè, gồm các bãi Vũng Mây, Ba Kè, bãi Đất, bãi Đinh, với chiều dài bãi ngầm khoảng 50km; chiều rộng nơi rộng nhất khoảng 24km, bãi ngầm Ba Kè cách Vũng Tàu khoảng 313 hải lý về phía Tây Bắc. Nhà Trạm Ba Kè A là một trong ba nhà trạm đầu tiên được xây dựng trên các bãi ngầm thuộc thềm lục địa phía Nam, do chưa có kinh nghiệm nên ngay sau khi xây dựng xong, hệ thống cầu thang lên xuống và thiết bị nội thất bảo đảm cho sinh hoạt đã bị sóng đánh hỏng. Sau đó, Nhà nước ta đã cho xây dựng tại khu vực bãi ngầm Ba Kè 4 nhà trạm. Do sóng to, gió lớn nhà trạm Ba Kè A bị đổ năm 2000, hiện nay còn 3 nhà trạm đứng vững chắc trên các bãi cạn thuộc Vũng Mây.

Cụm Tư Chính được xây dựng trên bãi đá ngầm Tư Chính, là bãi có độ dài khoảng 57km, chiều rộng nơi rộng nhất khoảng 13km; nằm cách bãi Quế Đường 55M về phía Tây Nam, cách Vũng Tàu khoảng 229M về phía Tây Bắc. Đây là bãi ngầm lớn nằm cạnh đường hàng hải quốc tế, nên có vị trí rất quan trọng đối với việc tổ chức lực lượng thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trên biển và quản lý, bảo vệ chủ quyền vùng biển của Tổ quốc.

Cụm Phúc Nguyên được xây dựng trên bãi cạn Phúc Nguyên, đây là bãi cạn mang tên Nguyễn Phúc Nguyên – người có công giúp nhà Nguyễn khai phá, trấn ải vùng đất miền Trung, bãi cạn Phúc Nguyên cách Vũng Tàu khoảng 225 hải lý về phía Tây Bắc. Bãi Phúc Nguyên là bãi thoải không đều, có độ sâu từ 18 đến 200m. Phạm vi ở khu vực độ sâu từ 18 đến 200m có chiều dài khoảng 30km, chiều rộng nơi rộng nhất khoảng 21km.

Cụm Quế Đường được xây dựng trên bãi cạn Quế Đường, đây là bãi cạn thuộc thềm lục địa phía Đông Nam của Tổ quốc, điểm nhô cao nhất của bãi Quế Đường cách mặt nước khoảng 11m. Phạm vi bãi ngầm trong khoảng độ sâu từ ll m đến 200m, có chiều dài khoảng 13km, chiều rộng nơi rộng nhất khoảng 7,5km,

Cụm Huyền Trân, được xây dựng trên bãi cạn Huyền Trân, đây là bãi cạn mang tên Công chúa Huyền Trân – người có công giúp vua Trần mở mang bờ cõi về phía Nam. Bãi Huyền Trân nằm phía Bắc và hợp với bãi Phúc Tần thành một nhóm, cách Vũng Tàu khoảng 253,5 hải lý về phía Tây Bắc. Phạm vi bãi cạn trong khoảng độ sâu từ 15,5 - 200m, có chiều dài khoảng 28km, chiều rộng nơi rộng nhất khoảng 26km.

Mang mùa Xuân đến với nhà giàn

Cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, Bộ Tư lệnh Vùng 2 lại tổ chức các đoàn cán bộ, phóng viên báo, đài đi thăm và chúc tết CB, CS Nhà giàn DK1 nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc, nhằm tiếp tục động viên vật chất, tinh thần đối với cán bộ chiến sĩ đang công tác nơi đầu sóng ngọn gió, đón Xuân vui tươi, an toàn, tiết kiệm, sẵn sàng chiến đấu cao. Kịp thời thông tin, tuyên truyền đến đồng bào, chiến sĩ cả nước về đời sống, học tập, công tác và tinh thần, không khí đón Tết của CB, CS làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu của Tổ quốc.

Chuyển những chậu quất, cành đào, mai và quà lên Nhà giàn DK1.10.

Chuyển những chậu quất, cành đào, mai và quà lên Nhà giàn DK1.10.

Đây cũng là thời điểm biển thường có sóng to, gió mạnh, ảnh hưởng lớn đến quá trình thực hiện nhiệm vụ và để mang hơi ấm đất liền đến với CB, CS đòi hỏi mỗi thành viên trong đoàn phải nỗ lực, khắc phục khó khăn, chuẩn bị chu đáo mọi mặt trước khi bắt đầu hành trình vượt nghìn hải lý trên biển.

Đối với CB, CS Vùng 2 Hải quân, là những người được rèn luyện trong môi trường quân đội và có kinh nghiệm với những chuyến đi biển, khả năng chịu đựng và thích nghi với sóng, gió trên biển tốt hơn, tuy nhiên đối với những phóng viên lần đầu tham gia, chưa quen với môi trường tàu hoạt động trên biển sẽ gặp không ít khó khăn, nhất là bị tác động bởi say sóng trong chuyến hành trình, quá trình lên, xuống nhà giàn, tác nghiệp trên biển.

Vì vậy, mỗi phóng viên trước hết phải đảm bảo tốt sức khỏe cho hành trình gần nửa tháng lênh đênh trên biển trong điều kiện môi trường sinh hoạt trên tàu chật hẹp và sự chao đảo, rung lắc thường xuyên, đặc biệt đối với người dễ bị say sóng, nên chuẩn bị một ít lương khô, bánh quy hoặc kẹo sâm để lúc mệt có thể bổ sung thêm hoặc chuẩn bị thêm trà gừng và café bột pha sẵn lúc cần giúp giảm say sóng. Bên cạnh đó, đối với những người say sóng nên chọn những phòng trung tâm của tàu sẽ đỡ ảnh hưởng khi tàu lắc ngang, hoặc lắc dọc.

Trước khi thực hiện nhiệm vụ các phóng viên nên nghiên cứu trước về nhà giàn DK1, nắm lịch trình của đoàn công tác, định hình và lên phương án tác nghiệp, vì quá trình thực hiện nhiệm vụ thời gian không nhiều, diễn biến nhanh, điều kiện không gian chật hẹp nếu không chủ động trước sẽ mất thời cơ.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ hạn chế mang thiết bị cồng kềnh và quá đắt tiền, nên sử dụng các loại máy nhỏ, chống nước và mang theo túi đựng chống nước, chống ẩm để bảo vệ tốt cho trang bị.

Đối với việc lên xuống tàu và nhà giàn, đây là nội dung cần hết sức lưu ý, bởi sóng biển làm con tàu chao liệng, dập dềnh, lúc lên cao, lúc xuống thấp. Chỉ cần sơ sảy là dẫn đến mất an toàn. Tùy vào điều kiện cụ thể mà đoàn công tác sẽ có các phương án lên xuống khác nhau, có thể lên nhà giàn bằng cẩu từ tàu, hoặc xuồng hoặc xuồng chuyển tải vào theo cầu thang.

 Việc lên nhà gian trong điều kiện thời tiết phức tạp là sự nỗ lực, quyết tâm của mọi CB, CS và sự can đảm, dũng cảm của các phóng viên. Tuy nhiên, nếu trong điều kiện không cho phép việc chúc Tết sẽ được tiến hành bằng phương pháp “chúc Tết qua loa, chuyển quà qua dây”. Lên được nhà giàn là niềm vui sướng không những của mỗi phóng viên và còn cả những CB, CS trên nhà giàn đang thiếu thốn hơi ấm đất liên, cảm giác chỉ còn cách nhau vài chục mét nhưng chỉ nhìn thấy nhau và phải chúc nhau qua bộ đàm và chuyển những gói quà qua dây để lại sự xúc động lớn đối với mọi người.

Vượt qua từng ngọn sóng lớn, vượt qua khó khăn, thử thách, mang hơi ấm từ đất liên đến với CB, CS nơi đầu sóng ngọn gió, dù vất vả nhưng đối với đoàn công tác, nhất là đối với các phóng viên là những trải nhiệm vô cùng ý nghĩa, cảm giác khi đặt chân lên những ngôi nhà, những cột mốc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc giữa mênh mông sóng biển, cùng gói những chiếc bánh, cùng trang trí phòng đón xuân với bộ đội nhà giàn, ngắm nhìn những chậu rau xanh mơn mởn, nghe những lời tâm tình và khúc hát người lính nhà giàn DK1 sẽ là kỷ niệm khó quên đối với mỗi người.

Văn Đường

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN