Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Trí Đức
Sáng 28-9-2018, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập có buổi làm việc với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố về tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh.
Theo kết quả thống kê, toàn tỉnh hiện có 112 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển, với tổng chiều dài 138km. Trong đó, sạt lở bờ sông 104 điểm, tổng chiều dài khoảng 118,2km, sạt lở bờ biển 8 điểm, tổng chiều dài khoảng 19,4km, lấn sâu vào trong đất liền (trung bình hàng năm khoảng từ 10-15 m) làm mất trên 120ha đất và 54ha rừng phòng hộ ven biển.
Trong tổng số 112 điểm trên có 5 điểm sạt lở nghiêm trọng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến công trình hạ tầng quan trọng, khu dân cư sinh sống tập trung cần xử lý cấp bách (3 điểm sạt lở bờ biển và 2 điểm sạt lở bờ sông).
Theo đó, bờ biển khu vực Cồn Ngoài, ấp Thạnh Hải, xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri chiều dài sạt lở khoảng 4km, gây ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng phục vụ bố trí sắp xếp dân cư vùng kinh tế mới Cồn Nhàn - Cồn Ngoài; khu vực bãi bắn của quân sự huyện và mất hàng cây phi lao ven biển. Bờ biển khu vực xã Thạnh Phong và xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú sạt lở khoảng 10km, gây ảnh hưởng trực tiếp đến khu di tích lịch sử Đường Hồ Chí Minh trên biển thuộc Cồn Bửng, mất dần dãy rừng phòng hộ ven biển thuộc 2 xã.
Khu vực cồn Phú Đa - Phú Bình, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách sạt lở trên 500m, khu vực cồn có 700 hộ dân, 2.000 nhân khẩu sinh sống, với 800ha đất. Tháng 11-2017, sạt lở sụp mất hoàn toàn 4 căn nhà ở và phải di dời khẩn cấp 8 căn nhà ở bị đe dọa trực tiếp.
Gần đây nhất, sạt lở bờ sông khu vực thị trấn Mỏ Cày Nam, nơi dân cư tập trung sinh sống rất đông. Tháng 6-2018, sạt lở 80m gây hư hỏng 4 nhà dân. Hiện tại, có khoảng 800m, với trên 70 hộ dân đang có nguy cơ tiếp tục bị sạt lở.
Trước tình hình sạt lở bờ biển, bờ sông diễn biến ngày càng nghiêm trọng, UBND tỉnh đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp cấp bách để xử lý sạt lở, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và hạn chế thiệt hại do sạt lở. Đối với 5 điểm sạt lở nghiêm trọng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, hỗ trợ kinh phí để đầu tư xây dựng công trình khắc phục sạt lở.
Kết quả, Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ vốn từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2018 để thực hiện 3 dự án xử lý sạt lở khẩn cấp, bao gồm: Kè chống sạt lở cồn Phú Đa - Phú Bình, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách (kinh phí 40 tỷ đồng); kè giảm sóng bảo vệ bờ biển khu vực Cồn Ngoài, xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri (kinh phí 40 tỷ đồng); kè giảm sóng bảo vệ bờ biển khu vực Cồn Bửng, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú (kinh phí 60 tỷ đồng).
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã vận động Công ty Cổ phần nhựa Tân Đại Hưng, Tập đoàn ACE Geosynthetics (Đài Loan) triển khai thí điểm công trình bảo vệ bờ biển tại huyện Thạnh Phú. Phương án thiết kế bảo vệ bờ biển của 2 đơn vị tài trợ nêu trên đã được các nhà khoa học, các ngành, địa phương đóng góp ý kiến trong buổi hội thảo ngày 3-8-2018 tổ chức tại tỉnh, hiện tại đang trong giai đoạn hoàn thiện phương án thiết kế.
Đối với những điểm sạt lở nguy hiểm có nguy cơ gây ảnh hưởng đến nhà ở của người dân, công trình,… UBND tỉnh đã cho chủ trương xử lý khẩn cấp 6 vị trí theo đề xuất của các địa phương.
Nhằm chủ động phòng tránh, ứng phó sạt lở bờ sông, bờ biển ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập chỉ đạo các ngành, địa phương khẩn trương rà soát các điểm sạt lở tại địa phương, thực hiện việc đánh giá phân loại mức độ sạt lở (sạt lở bình thường, sạt lở nguy hiểm, sạt lở đặc biệt nguy hiểm) để làm cơ sở xử lý.
Tiếp tục thực hiện cắm biển cảnh báo, khoanh vùng khu vực đang có diễn biến sạt lở hoặc có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, tránh để xảy ra tai nạn. Thống kê các địa điểm sạt lở, thông báo cho người dân biết và có kế hoạch sơ tán, di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở để đảm bảo an toàn cho người và tài sản.
Về kinh phí xử lý, khắc phục sạt lở, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập đề nghị, các huyện, thành phố chủ động sử dụng từ nguồn dự phòng ngân sách của địa phương để thực hiện. Đối với các công trình đã được Trung ương phân bổ vốn, Phó chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương nhanh chóng triển khai thực hiện.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, nhận định, đánh giá tình hình bão lũ, triều cường, xâm nhập mặn để kịp thời hướng dẫn các huyện có giải pháp phòng, chống, sẵn sàng triển khai ứng phó tại chỗ khi có tình huống xấu xảy ra.
Trí Đức