Khảo sát, chọn lọc và xây dựng vườn cây đầu dòng cây ăn trái đặc sản

22/12/2015 - 18:15

Tạo nguồn nguyên liệu ghép

Thời gian qua, để đáp ứng nhanh chóng nhu cầu tăng cao và thói quen ưa chuộng cây giống có giá rẻ của người trồng cây, người làm cây giống đã sản xuất cây giống một cách ồ ạt, không theo đúng quy trình kỹ thuật nhân giống, dẫn đến tình trạng cây giống mang nhiều mầm bệnh, sức sinh trưởng kém làm ảnh hưởng đến thương hiệu “Cây giống Cái Mơn” và sự phát triển kinh tế vườn của tỉnh.

Do đó, để khắc phục tình trạng này, Sở Khoa học và Công nghệ đã kịp thời đầu tư kinh phí khoảng 326 triệu đồng cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách thực hiện đề tài: “Khảo sát, chọn lọc và xây dựng vườn cây đầu dòng cây ăn trái đặc sản phục vụ sản xuất”. Sau 24 tháng thực hiện, kỹ sư Lê Văn Đơn, chủ nhiệm đề tài đã cùng với các thành viên tham gia thực hiện hoàn thành tốt mục tiêu là tạo nguồn nguyên liệu ghép (cành, mắt) đúng giống, đảm bảo chất lượng phục vụ cho quá trình sản xuất giống cây ăn trái để từng bước nâng cao chất lượng trái cây.

Trên cơ sở 32 cây ăn trái đầu dòng (27 cây đầu dòng được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận từ năm 2008 đến 2011 và 5 cây đầu dòng phát sinh trong quá trình điều tra, khảo sát) nhóm nghiên cứu đã chọn ra được 7 cây đầu dòng gồm 2 cây sầu riêng (sầu riêng Monthong và sầu riêng Ri6), 2 cây chôm chôm (chôm chôm Rongrieng và chôm chôm nhãn), 1 cây mít nghệ Indo, 1 cây vú sữa bơ hồng, 1 cây bưởi da xanh. Để chọn ra được 7 cá thể ưu việt về chất lượng cao ít sâu bệnh, có độ tuổi cho trái ổn định và thể hiện rõ các đặc trưng về giống, nhóm nghiên cứu đã kết hợp rất nhiều phương pháp nghiên cứu từ khảo sát thực tế đến thu thập ý kiến cộng đồng và sử dụng các công cụ phân tích trong phòng thí nghiệm để phân tích chất lượng trái. Đầu tiên, nhóm nghiên cứu dựa trên một số tiêu chí cơ bản như nguồn gốc, sự sinh trưởng và năng suất, vị trí cây trồng và điều kiện chăm sóc, quản lý, khai thác giá trị kinh tế của hộ dân để điều tra, khảo sát thực tế tại các vườn và đã chọn ra 10 cây có sức sinh trưởng, phát triển khá tốt để có thể làm nguyên liệu cho việc xây dựng vườn cây đầu dòng. Để đảm bảo việc chọn các cây đầu dòng phù hợp với thực tế, nhóm nghiên cứu đã tổ chức một hội thảo tại xã Vĩnh Thành lấy ý kiến của người sản xuất, kinh doanh cây giống về thị hiếu và nhu cầu tiêu thụ của người dân và đã chọn được 8 cây. Cuối cùng, nhóm thực hiện đề tài đã dựa vào phương pháp đánh giá chất lượng trái ngon của Viện Cây ăn quả Miền Nam và đã chọn được 7 cây đại diện dùng để xây dựng vườn cây đầu dòng phục vụ cho sản xuất giống cây ăn trái chất lượng cao.

Xây dựng quy trình kỹ thuật nhân giống

Từ kết quả chọn lọc cây đầu dòng, nhóm nghiên cứu đã xây dựng hoàn chỉnh 5 quy trình kỹ thuật nhân giống vườn cây đầu dòng cho 5 nhóm cây là sầu riêng, chôm chôm, bưởi, mít, vú sữa. Đây là một trong những kết quả quan trọng mà đề tài đã đạt và được các thành viên trong hội đồng nghiệm thu đánh giá cao. Để hoàn thiện quy trình kỹ thuật, nhóm nghiên cứu đã dựa trên cơ sở tổng thuật các tài liệu nghiên cứu trong và ngoài nước xây dựng bản thảo quy trình. Sau đó, thu thập kinh nghiệm, tập quán sản xuất, diện tích canh tác, sản lượng cây giống sản xuất hàng năm và tỷ lệ hộ dân đã qua đào tạo tập huấn chuyên môn ở 150 hộ dân để điều chỉnh quy trình cho phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương.

Ngoài ra, qua kết quả điều tra, khảo sát, nhóm thực hiện đề tài đã cung cấp được số liệu thống kê thực tế tương đối chính xác về thực trạng phát triển cây giống ở Chợ Lách. Đó là diện tích bình quân các hộ dùng để xây dựng vườn cây giống 886,13 m2/hộ, cao nhất 1.250m2/hộ, trong khi diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân trong toàn huyện Chợ Lách chỉ khoảng 3.021m2/hộ. Sản lượng bình quân cây giống mỗi hộ sản xuất 1 năm là 9.285 cây/hộ, cao nhất 17.250 cây/hộ và thấp nhất 6.370 cây/hộ. Như vậy, từ kết quả này cho thấy sự quan tâm đầu tư phát triển ngành sản xuất cây giống của người dân ở Chợ Lách là khá lớn. Vì thế, để nhằm quản lý tốt việc sản xuất, kinh doanh các giống cây ăn trái đòi hỏi cơ quan chức năng phải có nhiều giải pháp hỗ trợ nhân rộng các mô hình sản xuất cây giống xác nhận.

Tiếp theo, để khẳng định tính hiệu quả thực tế của kết quả nghiên cứu, nhóm thực hiện đề tài đã xây dựng được 19 vườn cây đầu dòng ở 7 điểm vườn (trong đó có 1 điểm bảo tồn Ex-situ) với 7 chủng loại cây đầu dòng đã được chọn lọc. Trong thời gian triển khai xây dựng mô hình vườn cây đầu dòng, Sở Khoa học và Công nghệ đã đầu tư 1.180 cây giống đầu dòng cho các hộ dân và đơn vị tham gia. Sau khoảng 5 tháng thì có 1.131 cây còn sống đạt tỷ lệ 107,71% so với mục tiêu đề ra là 1.080 cây. Hơn nữa, với việc áp dụng đúng các quy trình kỹ thuật nhân giống thì từ 1.131 cây giống đầu dòng có thể cung cấp được khoảng 58.480 cành, mắt ghép đáp ứng đủ tiêu chuẩn cây giống thành phẩm. Ngoài ra, trên cơ sở khoa học và thực tế thì nhóm nghiên cứu cũng đưa ra được dự báo khả năng cung cấp cây giống từ những vườn cây đầu dòng trong vòng 5 năm tới khoảng 800 ngàn đến 1 triệu cây, chiếm từ 1 - 1,5% sản lượng cây giống được sản xuất trong dân hiện nay.

Kết quả nghiên cứu của đề tài đã góp phần thay đổi thói quen canh tác, nâng cao trình độ và nhận thức của người dân về việc sản xuất cây giống có nguồn gốc và có chất lượng.

Xuân Trang

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích