Khảo sát công trình, địa điểm đề nghị xếp hạng di tích năm 2024

23/08/2024 - 16:03

BDK.VN - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa tổ chức khảo sát các công trình, địa điểm đề nghị xếp hạng di tích năm 2024 để Hội đồng khoa học thẩm định hồ sơ xếp hạng di tích xem xét, thẩm định. Hội đồng gồm có đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội Di sản Văn hóa tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lãnh đạo Bảo tàng Bến Tre, lãnh đạo phòng Văn hóa - Thông tin các huyện, nơi các công trình, địa điểm tọa lạc...

Hội đồng khoa học thẩm định hồ sơ xếp hạng di tích làm việc tại địa điểm Ngôi nhà, Nơi sinh ra và lớn lên của bà Nguyễn Thị Định.

Theo đó, Bảo tàng Bến Tre tham mưu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình UBND tỉnh xếp hạng 2 di tích: Chùa Oai Linh (xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày Nam), ngôi nhà, nơi sinh ra và lớn lên của bà Nguyễn Thị Định (xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm).

Chùa Oai Linh được xây dựng vào khoảng năm 1900, do ông Nguyễn Đình Tới (có tài liệu ghi là Nguyễn Duy Tới) lập sau chùa Tuyên Linh vài năm. Sau đó, ông Nguyễn Đình Tới đi Thất Sơn tu học để về trụ trì chùa. Đến núi Sập, ông Tới tham gia nghĩa quân Nguyễn Trung Trực đánh thành Kiên Giang. Khi nghĩa quân tan rã, ông mới trở về chùa và đặt tên là Oai Linh. Trong thời kỳ chống Mỹ, chùa Oai Linh là cơ sở bí mật nuôi giấu cán bộ hoạt động cách mạng. Ông Châu Văn Siêng, cán bộ quân sự xã làm 4 hầm bí mật để nuôi giấu cán bộ trên về hoạt động bí mật. Giai đoạn 1953 - 1954, chùa nuôi giấu nhiều cán bộ hoạt động cách mạng. Nghi ngờ chùa nuối giấuViệt cộng”, địch cho máy bay bỏ bom đánh phá chùa nhiều lần.

Ngôi nhà, nơi sinh ra và lớn lên của bà Nguyễn Thị Định là một ngôi nhà 3 gian theo kiến trúc truyền thống Nam Bộ do ông Nguyễn Văn Tiên, thân sinh bà Nguyễn Thị Định xây cất. Sau thời gian dài, ngôi nhà xuống cấp. Trong những năm bà Nguyễn Thị Định công tác ở Trung ương Cục miền Nam, đơn vị có tặng cho gia đình bà các loại gỗ để sửa lại ngôi nhà. Sau đó, con cháu đã góp tiền sửa lại ngôi nhà thêm một lần nữa nhưng vẫn giữ nguyên bộ cột gỗ, bộ cửa và kiến trúc như xưa.

Tại các công trình, địa điểm đề nghị xếp hạng di tích năm 2024, Tổ giúp việc trình bày tóm tắt sự kiện, nhân vật, giá trị và ý nghĩa liên quan đến công trình, địa điểm đề nghị xếp hạng di tích để thông qua các thành viên Hội đồng. Sau đó, các nhân chứng lịch sử, các vị cao niên trong vùng, đại diện Ban Quản lý chùa, gia đình... trình bày, bổ sung thêm những sự kiện, dữ liệu cho hồ sơ khoa học đầy đủ và phong phú để Hội đồng xem xét.

Sau chuyến khảo sát, trên cơ sơ hồ sơ khoa học và các sự kiện, tư liệu được cung cấp, Hội đồng khoa học thẩm định hồ sơ xếp hạng di tích sẽ xem xét góp ý trực tiếp vào hồ sơ di tích và tổ chức cuộc họp để thẩm định các hồ sơ trước khi trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Tin, ảnh: Hoàng Huấn

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN