Khoa học và công nghệ góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng ngành dịch vụ

31/01/2020 - 09:31

BDK - Ngày 20-11-2019, Tỉnh ủy ban hành Báo cáo số 540-BC/TU sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận số 27-KL/TW về Đề án phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch giai đoạn 2016 - 2020 với giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ trong giai đoạn 2016 - 2018 đạt 13.136 tỷ đồng/năm, tăng bình quân 7,82%/năm, cao hơn so với mục tiêu Kết luận số 27-KL/TW là 0,32%/năm. Đạt thành quả đó có sự đóng góp của dịch vụ khoa học và công nghệ (KH&CN).

Dịch vụ KH&CN tăng 9,52%

Kết luận đã chỉ rõ có 7 chỉ tiêu vượt, gồm: tổng thu từ hoạt động du lịch tăng 24%/năm; tổng lượng khách du lịch tăng 14%; dịch vụ tài chính, ngân hàng tăng 7,83%; dịch vụ thông tin truyền thông tăng 16,99%; dịch vụ KH&CN tăng 9,52%; dịch vụ hỗ trợ tăng 23,5%; doanh nghiệp thành lập mới tăng 13,23%. Có 4 chỉ tiêu chưa đạt, gồm: thương mại tăng 7,84%; dịch vụ vận tải kho bãi, logistics tăng bình quân 7,63%; dịch vụ giáo dục và đào tạo tăng bình quân 6,05%; dịch vụ y tế tăng bình quân 5,71%.

Dịch vụ KH&CN có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ đóng góp KH&CN vào sản phẩm ngày càng cao. Tốc độ đổi mới công nghệ đạt 15,15%/năm, giá trị sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 26,6%. Qua 3 năm, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 6 doanh nghiệp (DN) KH&CN, thành lập mới 11 tổ chức KH&CN. Hỗ trợ cho vay 8 dự án ứng dụng KH&CN với tổng dư nợ cho vay 10 tỷ đồng. Hoạt động hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, hệ thống quản lý chất lượng cũng được tập trung thực hiện thường xuyên, đạt hiệu quả tích cực.

Thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu và dẫn đến sự hình thành nhiều loại hình dịch vụ mới, tạo ra khả năng mới và cách tiếp cận mới đối với phát triển kinh tế - xã hội. Hàm lượng KH&CN ngày càng cao hơn trong các sản phẩm dịch vụ giúp cho nhiều loại dịch vụ, kể cả những dịch vụ truyền thống, được cung cấp và tiêu dùng hiệu quả hơn rất nhiều.

Chuyển đổi mô hình tăng trưởng ngành dịch vụ

Để tiếp tục thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng ngành dịch vụ tỉnh nhà và Kết luận số 497-KL/TU “Tiếp tục thực hiện 4 đề án chuyên đề cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh” ngày 20-11-2019, trong đó có phát triển ngành dịch vụ địa phương. Ngoài việc quán triệt sâu sắc nội dung; xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể từng đầu việc, xác định thứ tự ưu tiên việc nào làm trước, việc nào làm sau của kết luận nói trên; phát huy sức mạnh đoàn kết nội bộ và nội lực, huy động nguồn lực đầu tư từ bên ngoài, tạo sự đồng thuận cao của xã hội.

Các cấp, ngành phải xác định rõ quan điểm dịch vụ nói chung và dịch vụ KH&CN, trong đó có dịch vụ KH&CN cao không chỉ trực tiếp tạo động lực phát triển, mà còn củng cố sự liên kết, bảo đảm đầu ra cho các ngành công - nông nghiệp và tác động lan tỏa trong toàn bộ nền kinh tế của địa phương.

Đột phá đổi mới phương thức đầu tư, cơ chế tài chính, cơ chế trọng dụng và sử dụng nhân lực KH&CN phù hợp với thực tế và đặc thù của hoạt động KH&CN nhằm khơi thông các nguồn lực xã hội, phát huy tối đa năng lực sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tập trung phát triển thương mại, chú trọng phát triển cả hệ thống siêu thị và các chợ truyền thống gắn với đưa sản phẩm địa phương vào hệ thống siêu thị, chợ; đồng thời quan tâm phát triển thương mại điện tử.

Không ngừng nâng cao chất lượng, đa dạng hóa loại hình dịch vụ gắn liền phát triển KH&CN, thúc đẩy tăng tốc vượt bậc các dịch vụ trung gian để gia tăng sự kết nối và bổ trợ giữa các ngành kinh tế, đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế tỉnh nhà; nhất là phát triển các dịch vụ mới, có giá trị gia tăng lớn và còn nhiều dư địa phát triển như: ngân hàng, vận tải - logistic, y tế, giáo dục, KH&CN...

Ưu tiên xúc tiến thương mại các sản phẩm chủ lực của tỉnh vào các thị trường trọng điểm, gắn với xây dựng, hoàn thiện 8 chuỗi nông sản chủ lực của tỉnh. Xúc tiến thành lập Trung tâm Phân phối nông sản vùng đồng bằng sông Cửu Long vào thị trường TP. Hồ Chí Minh và các thành phố lớn của cả nước.

Thúc đẩy cạnh tranh trong ngành dịch vụ, đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ; giảm thâm hụt cán cân dịch vụ; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh doanh, sản phẩm, cải thiện năng lực cải tiến công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao liên kết, mở rộng thị trường tiêu thụ. Xây dựng và thực thi hiệu quả các hệ thống chuẩn quốc gia về chất lượng hàng hóa và dịch vụ. Xây dựng các “vùng liên kết dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp” đủ lớn, hợp chuẩn để tăng cường tác động lan tỏa của ngành dịch vụ đối với toàn bộ nền kinh tế.

Cách tiếp cận này, dịch vụ KH&CN sẽ tiếp tục đóng góp nhiều hơn trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng ngành dịch vụ của tỉnh nhà theo đúng hướng đã đề ra.

Đặng Văn Cử

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN