Khoa học và công nghệ với kinh tế thủy sản

01/07/2020 - 07:08

BDK - Ngày 12-3-2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 503/QĐ-UBND về việc phê duyệt bổ sung danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) năm 2020. Đây là nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, thực hiện từ năm 2020 đầu tiên được bổ sung góp phần phát triển kinh tế thủy sản bền vững tỉnh.

Mô hình nuôi tôm biển công nghệ cao tại xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú. Ảnh: Hữu Hiệp

Mô hình nuôi tôm biển công nghệ cao tại xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú. Ảnh: Hữu Hiệp

Hỗ trợ kinh tế thủy sản

Hoạt động KH&CN của địa phương giai đoạn 2016 - 2020 đã góp phần phát triển kinh tế thủy sản bền vững hơn, hiệu quả hơn. Đánh giá các tác động tiêu cực phát sinh ảnh hưởng đến môi trường (đất, nước) và hệ canh tác nông nghiệp khác trong vùng để đề xuất các giải pháp giảm thiểu nhiễm mặn trong môi trường nước, đất và mô hình chuyển đổi canh tác hợp lý khắc phục hậu quả của việc nuôi tôm thẻ chân trắng. Xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh hạn chế dịch bệnh EMS/AHPNS (hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính), góp phần hạn chế dịch bệnh trên tôm thẻ.

Đối với đối tượng nuôi hai mảnh vỏ, hoạt động KH&CN đã chuyển giao, xây dựng mô hình nuôi hàu theo hình thức nuôi nổi trên giàn tại cửa sông các huyện ven biển góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi, tăng thêm thu nhập cho bà con nông dân. Nghiên cứu kỹ thuật sản xuất giống sò huyết phù hợp với điều kiện nuôi tại vùng cửa sông ven biển thuộc tỉnh nhằm cung cấp nguồn con giống chất lượng cao cho các hộ nuôi.

Trong lĩnh vực khai thác thủy hải sản đã nghiên cứu thiết kế và thử nghiệm thành công ngư cụ khai thác mực bằng câu vàng thay thế nghề câu tay truyền thống. Kết quả, sản lượng khai thác tăng, chi phí giảm, lợi nhuận tăng thêm gần 50 triệu đồng/chuyến biển so với nghề câu tay truyền thống.

Ngoài các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN để phát triển kinh tế thủy sản bền vững, KH&CN đã quan tâm đầu tư phát triển tài sản trí tuệ đối với các sản phẩm kinh tế thủy sản như tiến hành xây dựng Chỉ dẫn địa lý Bến Tre cho sản phẩm cua biển và đang xây dựng nhãn hiệu chứng nhận đã công nhận cho sản phẩm tôm sinh thái Thạnh Phước.

Xây dựng mô hình truy xuất nguồn gốc điện tử sử dụng mã QR cho sản phẩm tôm biển; đồng thời đề xuất quy chế quản lý và sử dụng chương trình truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm tôm biển của tỉnh Bến Tre.

Đánh giá nguồn lợi thủy sản

Để tiếp tục duy trì và tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế thủy sản tỉnh nhà giai đoạn tiếp theo, UBND tỉnh đã phê duyệt điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản, môi trường sống các loài thủy sản và nghề cá thương phẩm trên địa bàn tỉnh với mục tiêu là đánh giá được hiện trạng nguồn lợi thủy sản, môi trường sống của loài thủy sản, nghề cá thương phẩm trên địa bàn tỉnh và đề ra các giải pháp bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản, môi trường sống các loài thủy sản. Quản lý, phát triển nghề cá thương phẩm tỉnh Bến Tre theo hướng hiện đại, bền vững và có trách nhiệm.

Yêu cầu kết quả phải đảm bảo đầy đủ, chất lượng, đúng theo quy định của Luật Thủy sản và Thông tư số 19/2018/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn về bảo vệ và phát triển nguồn lợi, với một số nội dung chủ yếu sau:

Đánh giá được nguồn lợi thủy sản, môi trường sống các loài thủy sản; đặc điểm sinh học của loài thủy sản; yếu tố môi trường, thủy văn, hải dương học, thủy sinh vật khác có liên quan đến nguồn lợi thủy sản. Thông tin về hoạt động khai thác của các đội tàu cá, sản lượng khai thác, giá bán của sản phẩm khai thác; thu, phân tích mẫu sinh học nghề cá; thu, phân tích mẫu thành phần loài trong nhóm hoặc loài thủy sản trong sản lượng khai thác; thu mẫu, đo kích thước, phân tích đặc điểm sinh học của loài thủy sản trong mẫu phân tích thành phần loài.

Báo cáo tổng hợp kết quả phải đảm bảo đầy đủ các nội dung như: hiện trạng nguồn lợi thủy sản; hiện trạng nghề, hoạt động khai thác thủy sản; đặc điểm sinh học các loài thủy sản; hiện trạng các yếu tố môi trường, thủy văn, hải dương học; trứng cá, cá con, ấu trùng tôm, tôm con; hiện trạng sinh học nghề cá và giải pháp quản lý nghề cá; và nội dung khác có liên quan.

Hình thức thực hiện đề tài là tuyển chọn có thời gian thực hiện 24 tháng, nguồn kinh phí từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp năm 2020 đã phân bổ cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuyển sang Sở KH&CN thực hiện.

Đặng Văn Cử

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN