Thầy cô giáo thường xuyên quan tâm giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. (Ảnh tư liệu)
Trong thư gửi các HS vào tháng 9-1945, Bác Hồ viết “… Ngày nay, chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”(1).
Qua các nội dung trên cho thấy, Đảng ta và Bác Hồ luôn mong đợi thế hệ tương lai của đất nước, những HS đang cắp sách đến trường phải không ngừng cố gắng học tập, tiếp thu những thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến; vươn lên làm chủ tri thức, làm chủ khoa học, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Có như thế, mới góp phần làm cho đất nước được phồn vinh, nhân dân được hạnh phúc.
Do đó, để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc cho HS, thiết nghĩ mỗi thầy, cô giáo, nhà trường và các tổ chức đoàn thể cần làm tốt một số nội dung sau:
Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho HS về các mục tiêu phát triển đất nước theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đó là đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nước ta là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, nước ta là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nước ta phải trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Thông qua sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt chủ nhiệm, sinh hoạt đoàn thể… nhà trường phải thường xuyên tuyên truyền, phổ biến cho HS tình hình kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, của tỉnh nói riêng để các em có nhận thức đúng về thực trạng của địa phương, đất nước. Mời các diễn giả, HS cũ thành đạt, doanh nghiệp, nông dân sản xuất giỏi… đến giao lưu, nói chuyện về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, khát vọng phát triển đất nước, những tấm gương hiếu học, thành đạt; tinh thần trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, cống hiến vì lợi ích cộng đồng, xã hội; ý thức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; vai trò, tác động của giáo dục, khoa học, công nghệ đến sự phát triển kinh tế - xã hội… Qua đó, sẽ tiếp thêm “lửa”, truyền cảm hứng, góp phần làm cho HS có thêm niềm tin, khát vọng được cống hiến, khát vọng làm chủ tri thức, khoa học, công nghệ.
Tạo môi trường cho HS được bày tỏ quan điểm. Nhà trường cần chủ động phối hợp với Đoàn thanh niên, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Hội Cựu giáo chức và các đoàn thể có liên quan tổ chức các câu lạc bộ khoa học, kỹ thuật, diễn đàn thanh niên, các cuộc thi tìm kiếm ý tưởng đổi mới, sáng tạo… vừa tạo môi trường cho HS được bày tỏ quan điểm của mình, giúp nhà trường nắm bắt được tình hình tư tưởng, vừa điều chỉnh nhận thức, hành vi lệch chuẩn của HS, vừa góp phần nuôi dưỡng khát vọng, ý thức, trách nhiệm của HS với sự phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Học sinh Trường THPT Quản Trọng Hoàng (Mỏ Cày Nam) tham gia nghiên cứu tại Câu lạc bộ Khoa học - kỹ thuật của trường. (Ảnh tư liệu)
Đẩy mạnh giáo dục STEM. Khuyến khích giáo viên thiết kế các bài học, chủ đề STEM thuộc một môn học hoặc một số môn học gắn kết với các vấn đề của thực tiễn xã hội. Tổ chức cho HS được trải nghiệm, tham quan thực tế các doanh nghiệp, nhà máy, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, nuôi trồng thủy, hải sản, cây giống, nông trại. Qua đó, hình thành cho HS một số kiến thức ban đầu về dây chuyền công nghệ, quy trình sản xuất, kinh doanh… gắn kiến thức với thực tế cuộc sống, ham mê học tập, đổi mới, sáng tạo.
Tổ chức cho HS tham gia các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học, kỹ thuật; các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp, ý tưởng sáng tạo. Ngoài ra, nhà trường có thể giao đề bài để HS, nhóm HS đưa ra ý tưởng giải quyết vấn đề cuộc sống đặt ra. Qua đó, hình thành và phát triển năng lực giải quyết vấn đề, năng lực nghiên cứu khoa học của HS.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc chăm sóc, giáo dục đạo đức, lối sống HS. Chủ động phối hợp với nhà trường và các đoàn thể trong việc giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, quản lý con em học tập, rèn luyện.
Xây dựng môi trường nhà trường dân chủ, lành mạnh, thân thiện. Nâng cao hiệu quả thực hiện quy tắc ứng xử văn hóa trong các nhà trường. Tiếp tục thực hiện phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”, “Dạy tốt, học tốt”, “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” trong các cấp học. Tạo điều kiện thuận lợi để thanh niên, thiếu niên, nhi đồng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ và khẳng định năng lực của bản thân.
Mỗi học sinh phải biến khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của Đảng ta, nhân dân ta thành khát vọng làm chủ tri thức, khoa học, công nghệ. Chính những khát vọng đó sẽ tạo động lực thúc đẩy các em học tập tốt hơn, chiếm lĩnh tri thức, khoa học, công nghệ, thúc đẩy các em có những ý tưởng đổi mới, sáng tạo. Tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước. |
Phạm Nghi Tiện
(Hội Cựu giáo chức tỉnh)