Khởi kiện đòi lại đất bị lấn chiếm

18/09/2022 - 20:12

Ông Nguyễn Văn Thật có nhu cầu tư vấn: Năm 2020, tôi mua 2.000m2 đất ruộng ở cạnh đất của ông A và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (SDĐ). Tháng 5-2022, tôi phát hiện ông A cắm cọc sang lấn đất của tôi (ngang 2m, dài 42m), nên yêu cầu ông tháo dỡ cọc trả đất cho tôi. Ông A không đồng ý mà còn hăm dọa tôi. Tôi khiếu nại, hòa giải ở xã không thành.

Xin hỏi: tôi phải làm sao để đòi lại phần đất đã bị lấn chiếm. Thủ tục gồm những gì?

Thắc mắc của ông được Luật sư Phạm Thị Kim Tuyến (Đoàn Luật sư tỉnh Bến Tre) tư vấn như sau:

- Khoản 1 và điểm a, b khoản 2 Điều 3 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP, ngày 19-11-2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai như sau:

- Lấn đất là việc người SDĐ chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất sử dụng mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép hoặc không được người sử dụng hợp pháp diện tích đất bị lấn đó cho phép.

- Chiếm đất là việc SDĐ thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Tự ý SDĐ mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép;

+ Tự ý SDĐ thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác mà không được tổ chức, cá nhân đó cho phép;

Theo đó, hành vi được coi là lấn đất phải có dấu hiệu dịch chuyển, thay đổi ranh giới, mốc giới của thửa đất trên thực tế so với diện tích được cấp trong giấy chứng nhận quyền SDĐ của mình. Hành vi chiếm đất thông thường sẽ là hành vi SDĐ mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc giao quyền sử dụng.

Căn cứ quy định trên và như thông tin ông cung cấp, có thể xác định được ông A đã có hành vi lấn, chiếm một phần đất của ông (ngang 2m, dài 42m) và căn cứ pháp lý để xác định ranh giới, mốc giới đất trong trường hợp này là giấy chứng nhận quyền SDĐ được Nhà nước giao cấp cho ông.

Trường hợp của ông, nếu UBND xã hòa giải không thành, thì ông có quyền làm đơn khởi kiện tại tòa án nhân dân (TAND) cấp huyện (nơi có đất) để được giải quyết theo quy định tại khoản 1, Điều 203 Luật Đất đai năm 2013. 

Để khởi kiện, ông cần chuẩn bị:

1. Một bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS 2015), gồm có:

- Đơn khởi kiện (theo mẫu quy định)

- Giấy tờ pháp lý của người khởi kiện như CCCD/CMND và hộ khẩu thường trú (có chứng thực);

- Giấy tờ pháp lý của người bị kiện và người có quyền, nghĩa vụ liên quan (nếu có) như về nơi cư trú, nơi làm việc và thông tin khác liên quan.

- Tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm và yêu cầu khởi kiện của mình là có căn cứ, như: hồ sơ đất (giấy chứng nhận quyền SDĐ, hồ sơ đo đạc, biên bản cắm ranh giới, mốc giới…); bộ hồ sơ hòa giải không thành của UBND xã và các giấy tờ liên quan chứng minh ông A lấn chiếm đất của ông.

2. Nộp đơn khởi kiện: Ông có thể nộp đơn khởi kiện tại TAND cấp huyện (nơi có đất tranh chấp), bằng cách đến nộp đơn trực tiếp tại TAND hoặc gửi đến tòa án qua đường bưu điện.

Hành vi lấn, chiếm đất của người khác là một trong những hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Đối với trường hợp người SDĐ cố tình vi phạm, tùy vào tính chất, mức độ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 14, Nghị định số 91/2019/ND-CP hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 228 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

H. Trâm (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN